Trụ sở ở ngoài đồng

Trụ sở ở ngoài đồng

Trụ sở ở ngoài đồng

                    Bút ký của VĂN LỢI

Gian nhà hẹp của Văn phòng Đảng uỷ xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới Bắc Kạn) chỉ vừa đủ kê ba cái bàn làm việc cho ba cán bộ : Bí thư, Phó Bí thư trực và nhân viên văn phòng. Văn phòng hẹp lại đặt trong trụ sở bé của xã đã được xây dựng chừng 30 năm. Thêm bộ bàn ghế tiếp khách nữa, lối đi lại ở trong phòng phải nghiêng người.

Tất cả đã cũ! Chỉ có cách làm việc là mới! Cái mới được hé lộ và phát triển từ một tư duy mới của người Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Văn Chung trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Anh Chung vừa nhận trọng trách Bí thư Đảng uỷ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhưng cảnh quan nơi này đã quen thuộc với anh trên 20 năm có lẻ, mười chín tuổi đời rời Bản Nhuần đi bộ đội, khi làm cần vụ, khi đi chiến đấu ở biên giới Cao Bằng, rồi lại về Quân khu I. Mười hai năm trong quân ngũ, anh Chung luôn giữ trong lòng những hình ảnh của gia đình, làng bản. Từ ngọn núi đá đến khe suối, cánh đồng và bà con lam lũ cày bừa mưu sinh khó nhọc. Anh xác định đi bộ đội cũng là đi học ở trường đời, coi khó khăn thử thách là trường học lớn để rèn luyện tính cách người lính. Anh Chung suy nghĩ: Trong cuộc vận động Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có rất nhiều điều phải học về Bác, nhưng trong điều kiện cụ thể của mình là một cán bộ xã, anh thấy trước hết cần phải làm theo hai điều quan trọng đó là: Lý luận phải gắn với thực tiễn, tác phong phải sâu sát, gần dân. Phải góp phần thực hiện ước mơ của Bác: Lo cho dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đó cũng là phẩm chất "Anh bộ đội cụ Hồ" mà anh từng được giáo dục, rèn luyện.

Không nói ra, nhưng phải thể hiện ra trong công tác chỉ đạo, đó là điều anh Chung luôn tâm niệm để thực hiện hàng ngày. Năm 1988 phục viên về xã, làm Thường trực Đảng uỷ, rồi 14 năm liền làm Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng công an, Trưởng ban Tư pháp xã. Rồi Phó Chủ tịch HĐND…

Trụ sở ở ngoài đồng ảnh 1

Đồng chí Hoàng Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chu kiểm tra phân bón vi sinh đang trong quá trình ủ.

Quá trình làm công tác ở xã, anh Chung phải thường xuyên tham gia giải quyết những vụ việc khó khăn phức tạp, nhưng anh chưa hề lùi bước. Quảng Chu quê anh trước đây từng là địa bàn có những vấn đề nổi cộm về chặt phá rừng bừa bãi, khai thác vận chuyển gỗ trái phép, truyền đạo trái phép, nghiện hút lan tràn và loay hoay trong công cuộc xoá đói giảm nghèo… Cùng với các đồng chí lãnh đạo xã, bàn bạc nắm chắc địa bàn, tình hình đối tượng. Anh Chung đã trực tiếp tìm đầu mối giải quyết từng vụ việc. Đồng Luông là nơi đồng bào Mông chuyển cư đến khá đông, do thiếu đất sản xuất đồng bào đã phá rừng làm rẫy. Kỹ thuật canh tác không có, lại dễ nghe bọn xấu theo đạo trái phép… nên đã trở thành điểm nóng cần phải giải quyết ngay.

Vừa tập hợp các bộ phận chức năng của xã vào cuộc tích cực, vừa phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên. Anh Chung đã đi đến từng bản, từng nhà có sai phạm để giải thích, kiên trì thuyết phục họ, vận động bà con người Mông ở Vằng Keo không phá rừng, không theo đạo trái phép. Xã đã cưỡng chế rỡ bỏ nơi thờ tự trái pháp luật của nhóm người theo tà đạo. Suốt mấy năm kiên trì bám cơ sở, ngăn chặn kịp thời các vụ chặt phá rừng, việc truyền đạo trái phép mới dừng và được khoanh quản chặt chẽ để không ảnh hưởng đến sản xuất và an ninh chính trị.

Riêng chuyện chống nghiện ma tuý, với anh Chung cũng là một cuộc chiến không khoan nhượng, nhưng cũng rất khoan dung nhân ái! Em trai anh mắc nghiện, anh giáo dục khuyên bảo bằng mọi cách không được, chính anh đã hai lần quyết định cho em mình đi cải tạo. Với anh Phạm Đức Tịu là người mắc nghiện đã 13 năm, nhưng tin anh Tịu có khả năng phấn đấu cải tạo, anh Chung đã không tiếc thời gian, công sức, suốt mười ngày đêm cùng ăn ở, giúp đỡ, giám sát anh Tịu và đã giúp anh Tịu cai nghiện thành công. Sau cai nghiện, anh Tịu còn phấn đấu trở thành Đảng viên, Phó bí thư chi bộ, Phó thôn, Kiểm lâm viên, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ của xã, Phó ban công an xã… Điều đó đã tạo nên sức thuyết phục với những người cố ý vi phạm pháp luật đồng thời cũng đủ sức thuyết phục những người muốn phấn đấu trở thành công dân tốt.

Những việc như trên tuy rất nhiều, rất bận, nhưng anh Chung xác định đó không phải là mục tiêu chính, cho dù có khi rất gay cấn, nguy hiểm đến bản thân, đó chỉ là những sự vụ nhất thời. Mục tiêu chính trong công tác lãnh đạo của anh Chung là suy nghĩ và hành động quyết liệt, để nhanh chóng xoá đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc trên địa bàn xã. Vì thế chỉ đạo sản xuất, bám đồng ruộng nương rẫy phải trở thành công việc hàng ngày của Bí thư Đảng uỷ xã.

Anh Chung xác định rõ : Để có thể xoá đói giảm nghèo, trước hết là phải xoay chuyển được nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân, phải chuyển từ tâm lý thụ động trông chờ chỉ đạo, giúp đỡ… sang chủ động quyết tâm sản xuất một cách nhạy bén. Tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Mạnh dạn học hỏi, đầu tư và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đang cùng Đảng uỷ, chính quyền huy động toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương vào công cuộc xoá đói giảm nghèo thì Đảng và Nhà nước phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Tỉnh và huyện tin ở khả năng chỉ đạo sản xuất của xã Quảng Chu, nên đã giao cho xã thí điểm trồng thử nghiệm một số giống lúa, đặc biệt là giống lúa Khang dân 18 thuần chủng mới nhập vào từ tỉnh Thái Bình.

Việc lớn đã đến, đây cũng là thước đo quyết tâm của xã với những thử thách chưa thể lường trước. Với trọng trách là Bí thư Đảng uỷ xã, anh Chung từ lâu đã tự mình có ý thức bám sát đồng ruộng. Trừ ngày phải dự họp ở huyện và chỉ đạo các cuộc họp quan trọng ở xã, còn lại ngày nào đến cơ quan anh Chung cũng tranh thủ sắp xếp, giải quyết nhanh gọn các công việc sự vụ để ra đồng, lên nương rẫy. Coi đồng ruộng, nương rẫy là trụ sở thứ hai của Bí thư Đảng uỷ xã. Có lúc, có việc anh cùng các đồng chí bên chính quyền cùng đi, song nhiều khi anh chỉ đi một mình. Công việc của anh ở ngoài đồng ít khi được định trước, mà là trực tiếp đi xem mương phai, hồ đập, chỗ nào hỏng thì dùng gạch đá đánh dấu lại, rồi yêu cầu người có trách nhiệm đến sửa chữa ngay. Anh ra đồng xem làm đất, xem gieo sạ và cấy có đúng kỹ thuật không. Ruộng chỗ nào chăm sóc kém, chỗ nào bị sâu không phun thuốc. Tình hình phát dọn đất trồng cây theo kế hoạch đến đâu. Việc cuốc luống trồng chè có đúng kỹ thuật không…

Tóm lại anh kiểm tra mọi việc trong sản xuất. Sai đâu yêu cầu người làm sai sửa ngay, định thời hạn, nêu rõ yêu cầu làm thế nào, đã làm sai phải làm lại cho bằng được. Là người ham học hỏi, là con của gia đình có 8 anh em, lao động từ nhỏ nên anh Chung từng trải trong mọi việc sản xuất. Biết tác phong dứt khoát của anh, nên ai cũng nghiêm túc làm theo những gì anh đã hướng dẫn chỉ đạo. Không kể thứ bảy, chủ nhật, có việc phát sinh cần giải quyết ở đâu là anh đến tận nơi xem xét giải quyết kịp thời.

Là Trưởng ban chỉ đạo sản xuất của xã, anh yêu cầu các đồng chí thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ nông lâm mỗi tuần ít nhất có một lần xuống thôn kiểm tra nắm bắt tình hình chung và công việc sản xuất, giải quyết ngay những việc có thể và hội ý giải quyết những việc hệ trọng. Việc trồng thử nghiệm lúa Khang dân cho Tỉnh và huyện dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng  uỷ và chính quyền xã sâu sát, nên đã đem lại kết quả tốt với năng suất 64 tạ/1ha. Từ đó tạo ra phong trào trồng lúa Khang dân rộng khắp trên toàn Tỉnh. Vì lúa Khang dân 18 vừa dễ chăm sóc, vừa có khả năng chịu hạn, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Riêng xã Quảng Chu đã cấy 75% diện tích ruộng hai vụ bằng giống lúa Khang dân, đem lại niềm tin và sự phấn khởi cho nông dân.

Trong sản xuất, việc gì khó cũng được Bí thư Đảng uỷ lo lắng, đề xuất cách giải quyết. Năm 2010, lúa đang tốt thì gặp hạn nặng, không có nguồn nước chống hạn. Do nắm chắc địa hình của xã, nên anh Chung đã cho đóng mảng thả xuống hang đá có nước, dù đây là "hang thuồng luồng" nhiều người vẫn sợ, nhưng anh Chung vẫn quyết tâm chỉ đạo phải bơm nước từ dưới hang lên đồng để cứu lúa. Việc chống hạn thành công được nhân dân thán phục. Nhận thấy trâu bò được nuôi ngày càng ít, nguồn phân bón tự nhiên sẽ thiếu. Anh Chung đã đề nghị Đảng uỷ ra một nghị quyết chuyên đề về làm phân bón vi sinh. Giao cho các chi bộ vận động Đảng viên, quần chúng hưởng ứng việc ủ phân vi sinh gần ruộng để có phân bón. Xã cũng đã hỗ trợ mỗi thôn một hộ thí điểm ủ phân vi sinh đúng kỹ thuật.

Bằng quyết tâm chỉ đạo của Đảng uỷ đi đầu là Bí thư Chung, cùng với tinh thần kiên trì và nỗ lực của nhân dân toàn xã, kinh tế nói chung của xã Quảng Chu đã thay đổi rõ nét về nhiều mặt, bình quân lương thực đạt 812 kg một người một năm. Thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng một người một năm, vượt các chỉ tiêu của huyện từ 8 đến 12%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nhanh chóng. Cùng với phát triển nông nghiệp, anh Chung còn quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trồng chè với hơn 200ha chè trung du đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cả xã. Rừng đã được quản lý bảo vệ tốt, rừng mới trồng không làm ồ ạt, qua khảo sát thấy đủ điều kiện mới cho trồng. Do vậy việc trồng rừng phát triển chắc chắn, thường xuyên vượt kế hoạch. Tiếp thu chủ trương xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ đã chỉ đạo nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, Ban phát triển thôn, xây dựng các quy hoạch, đồ án, đề án, vận động nhân dân hiến đất, góp công làm đường liên thôn xóm …

Đứng trên cánh đồng lúa Khang dân thuần chủng trĩu bông đang chín vàng tươi, anh Chung vui vẻ nói: Trước kia, mỗi mùa lúa chín các cánh đồng của Quảng Chu trông như chiếc áo vá loang lổ, chỗ chín, chỗ xanh, cây cao, cây thấp. Bây giờ cấy lúa Khang dân thuần chủng, cánh đồng vàng như một tấm thảm phẳng lì thật là đẹp! Đúng thế! Quảng Chu không chỉ đẹp trên những cánh đồng Đèo Vai, Làng Điền, Bản Đén mà còn xanh cây trên những rừng trồng với keo lai, mỡ, xoan đang độ xoè tán. Hai bên đường vào Đồng Luông ngô xanh mướt hai mùa. Đỗ tương, lạc, sắn, khoai, mía, chè mùa nào thức nấy. Hơn 1000 con trâu bò, đàn lợn hơn 3000 con, đàn gia cầm 36 nghìn con… Tất cả đã tạo nên một cuộc sống ngày càng ấm no cho người dân xã Quảng Chu.

Ngước nhìn núi Tham Chom với ba đỉnh vươn cao giữa trời xanh, mây trắng của Quảng Chu, khiến tôi liên tưởng tới khối đoàn kết vững chắc trong thế ba chân kiềng Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Quảng Chu. Trên nền xanh của cuộc sống ấm no ấy, nổi bật một tấm gương "miệng nói tay làm", phấn đấu làm cho "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" như lời Bác dạy của người cựu chiến binh - Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Chu Hoàng Văn Chung - Người biết coi đồng ruộng, nương rẫy là trụ sở của trái tim và hành động của người lãnh đạo luôn biết vì dân mà phục vụ.

                                                                                      V.L

Xem thêm