Trung Hòa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thời gian qua, xã Trung Hòa (Ngân Sơn) đã tập trung chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học, đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Lãnh đạo xã Trung Hòa thăm mô hình nuôi ốc nhồi tại thôn Nà Chúa.
Lãnh đạo xã Trung Hòa thăm mô hình nuôi ốc nhồi tại thôn Nà Chúa.

Xã Trung Hòa có diện tích tự nhiên hơn 3.840ha, dân số trên 1.500 người, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng diện tích đất tự nhiên, điều kiện sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn nên những năm gần đây Trung Hòa đã đặt ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế ở địa phương. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng các loại cây, con giống có giá trị và năng suất cao, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất với mong muốn đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đồng thời góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Thành dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ốc nhồi của ông Phạm Văn Tú tại thôn Nà Chúa, đây là một trong những mô hình chuyển đổi ở địa phương đang cho hiệu quả kinh tế cao. Đang cho ốc ăn là quả bí đỏ, bí xanh và một số loại là cây khác, ông Tú cho biết: Gia đình tôi chuyển 500m2 đất ruộng để nuôi ốc từ tháng 3 năm nay, tôi mua 5kg ốc nhồi giống với giá 1 triệu đồng/kg. Sau một thời gian chăn thả và tích cực chăm sóc, đến nay ốc đã lớn đáng kể, khoảng 1 tháng nữa sẽ được thu hoạch. Theo cam kết, bên cung cấp giống sẽ thu mua ốc nhồi thành phẩm với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Theo tính toán, với 5kg ốc giống sẽ cho thu hoạch khoảng 800kg ốc thành phẩm, nhờ đó gia đình sẽ có khoản thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Chủ tịch UBND xã Trung Hòa cho biết thêm: Thực tế, trong hai năm qua ở địa phương đã có gần chục hộ nuôi loại ốc nhồi này và đã thành công. Nhiều hộ xây được nhà, mua ô tô từ mô hình nuôi ốc nhồi.

Ngoài ra, địa phương còn thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, trồng rau trái vụ, lạc… nhằm tăng khả năng quay vòng đất, nâng cao thu nhập. Tổng sản lượng lương thực hằng năm của xã Trung Hòa đều đạt trên 1.000 tấn, bình quân lương thực đạt xấp xỉ 700kg/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của huyện và của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.

Việc phát triển đàn gia súc, gia cầm được cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện. Ý thức của người dân trong công tác chăm sóc, phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc được nâng lên. Đến nay toàn xã có tổng đàn gia súc gần 600 con, đàn lợn gần 700 con và 15.600 con gia cầm. Công tác trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện; diện tích trồng rừng hằng năm cơ bản đạt chỉ tiêu. Những năm gần đây xã luôn quan tâm trồng rừng gỗ lớn với các loại cây chủ yếu như: Xoan, lát, dổi…, độ che phủ rừng toàn xã hiện đạt trên 72%.

Chủ tịch UBND xã Trung Hòa Phạm Văn Thành chia sẻ thêm: Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng mừng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng so với các địa phương khác thì Trung Hòa vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục và phải tích cực hơn nữa trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị mang tính bền vững, lâu dài… Xã mong muốn các cấp, ngành của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí nguồn vốn để triển khai các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp có tiềm năng, phù hợp với địa phương. 

Xã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 50ha đất sản xuất đạt giá trị 100 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1.100 tấn; trồng rừng đạt 70ha… Giải pháp được địa phương đưa ra để thực hiện đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tổ chức thực hiện của chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác, đặc biệt là thâm canh cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; tranh thủ nguồn vốn các dự án, chương trình khuyến nông. Khuyến khích và tạo điều kiện thành lập, hỗ trợ có hiệu quả các hợp tác xã phát triển./.

Đình Văn

Xem thêm