Trung tâm Dạy nghề Ba Bể: Chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân

Dạy nghề là giải pháp quan trọng để phát triển tam nông bền vững, nông dân được trang bị kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, thu nhập ổn định, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Dạy nghề là giải pháp quan trọng để phát triển tam nông bền vững, nông dân được trang bị kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, thu nhập ổn định, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Những nỗ lực đạt được

Ba Bể là một trong 62 huyện nghèo của cả nước theo quy định tại Nghị quyết số 30a năm 2008 của Chính phủ. Dân số toàn huyện có trên 49 nghìn người, trong đó, có khoảng 95% là người dân tộc thiểu số, trên 90% dân số sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo chiếm tới trên 63%. Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Nghị quyết 30a và Quyết định 1956 của Chính phủ, việc dạy nghề cho nông dân được Trung tâm Dạy nghề huyện triển khai tích cực. Từ năm 2009 - 2013, đã mở được 29 lớp dạy nghề, với hơn 914 học viên tham gia, gồm các ngành nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp, máy nổ, kỹ thuật xây dựng, máy vi tính… tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức mạnh dạn vận dụng tại gia đình, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Năm 2014, Trung tâm tiếp tục thực hiện 13 lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của bà con trên địa bàn, với các ngành nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật xây dựng; trồng mới, cải tạo và bảo quản sản phẩm chè...

Lớp học nghề làm nấm rơm tại xã Quảng Khê.
Lớp học nghề làm nấm rơm tại xã Quảng Khê.

Ông Hoàng Văn Hữu - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Ba Bể cho biết: "Đào tạo nghề cho lao động địa phương là công việc quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới". Hiệu quả của việc đào tạo nghề là những năm trước đây, đồng bào ở các thôn bản vùng cao, dân tộc Mông, Dao mua được chiếc máy cày bừa, nhưng chưa qua đào tạo nghề sửa chữa, cứ mỗi lần chiếc máy có trục trặc, dù có nhỏ đến mấy vẫn phải dừng lại mang ra trung tâm huyện hàng chục ki-lô-mét để sửa chữa; hay như hiếm có những thợ xây là người dân tộc thiểu số, thì đến nay nếu có công trình được khởi công đã có thể có những người thợ xây phổ thông là đồng bào địa phương trực tiếp tham gia xây dựng các công trình dân dụng trên địa bàn và của gia đình. Nhiều người sau khi kết thúc khoá học đã thành lập tổ, nhóm xây dựng, nhận các công trình trên địa bàn huyện, có thu nhập ổn định. Những năm qua huyện luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Ngoài xây dựng giáo trình đào tạo, người học còn được tiếp xúc với thực tế, nhờ đó, học viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tế.

Và những khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Ba Bể vẫn còn nhiều khó khăn, do đời sống của người dân còn nghèo, trình độ dân trí hạn chế. Trung tâm Dạy nghề huyện còn thiếu biên chế giáo viên, vẫn phải ký hợp đồng với giáo viên dạy nghề ở nơi khác. Để công tác đào tạo nghề cho người lao động phát triển bền vững, rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; sớm có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, bổ sung nhân lực, trang - thiết bị cho các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn huyện. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, kinh phí để mở lớp hằng năm nhận được chậm và còn hạn chế, trong khi đó, nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện còn rất cao. Hiện nay, việc mở lớp dạy nghề đối với Trung tâm chủ yếu là dạy nghề “lưu động”. Hằng năm, việc đào tạo nghề của Trung tâm được thông qua nhu cầu đăng ký học nghề của các địa phương, sau đó, giáo viên đến tận nơi nằm vùng để dạy nghề cho bà con.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên Trung tâm thì phần lớn học viên có trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vừa bất đồng ngôn ngữ, việc đưa các thiết bị máy móc lên thực hành cũng là cả một quá trình, có nơi xe ô tô chỉ chở đến hết đường cái, còn lại đường đất 5-7 km, để vào đến thôn phải tiếp tục “tăng bo” bằng xe máy, thậm chí là người khiêng.

Đối với người nông dân, thời gian nông nhàn trong năm khá nhiều, ngoài một số lao động tìm kiếm được việc làm trong địa bàn, ngoài tỉnh, còn lại số người không có việc làm là khá nhiều. Một trong những nguyên nhân đầu tiên cản trở quá trình lao động nông thôn tìm được việc là trình độ học vấn và kỹ năng nghề. Trong khi khoa học công nghệ không ngừng tiến bộ thì ở nông thôn ít có cơ hội tìm kiếm việc làm bởi số lao động có chuyên môn kỹ thuật tay nghề vững là rất ít, bởi mỗi lớp học nghề chỉ có thời gian học trong 3 tháng, với thời gian ngắn như vậy học viên chưa thể có tay nghề vững vàng để mở nghề kiếm sống.

Trên thực tế, các cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, công nhân phần lớn là người nơi khác, còn lao động địa phương đa phần là lao động phổ thông, mức lương không cao. Lãnh đạo Trung tâm dạy nghề huyện Ba Bể cho biết thêm: Học viên khi đến trung tâm học nghề đều có nhu cầu được tham gia học nhiều nghề, bởi với người nông dân nếu chỉ biết mỗi việc sửa chữa chiếc xe máy, thì khi hết vụ bà con muốn tìm kiếm làm thuê cho các công trình xây dựng nhưng lại không có kỹ thuật. Nhu cầu của nông dân là như vậy, chính đáng, sát với tình hình thực tế, tuy nhiên, thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên, một học viên chỉ được tham gia học 1 lớp, nếu tham gia lớp nữa phải có đơn và được UBND tỉnh phê duyệt”./.

Tùng Vân
  


 

Xem thêm