Trường Cao đẳng Bắc Kạn nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề

BBK - Trong xu thế phát triển, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đang hướng tới mục tiêu trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

HSSV Khoa Cơ điện, Trường Cao Đẳng Bắc Kạn trong giờ thực hành.

HSSV Khoa Cơ điện, Trường Cao Đẳng Bắc Kạn trong giờ thực hành.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đang đào tạo 13 ngành, nghề, gồm: Cao đẳng 02 ngành nghề (Điện công nghiệp; Giáo dục mầm non); trung cấp 09 ngành nghề (Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Công nghệ ô tô; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Chăn nuôi thú y; Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn; Tin học ứng dụng); sơ cấp 02 ngành nghề (Điện lạnh; Lái xe ô tô).

Tính đến hết tháng 11/2023, chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục mầm non toàn trường có tổng số 659 học sinh, sinh viên (HSSV)/26 lớp, trong đó cao đẳng 111 sinh viên/05 lớp, trung cấp 548 học sinh/21 lớp. Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT năm học 2023 - 2024 cho 464 học viên/11 lớp. Đào tạo không thuộc chỉ tiêu ngân sách: Lái xe cơ giới đường bộ hạng B1, B2, C là 970 học viên; liên kết đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm tổng số 408 học viên/12 lớp.

Tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn, nghề Điện dân dụng thuộc Khoa Cơ điện đang được nhiều HSSV lựa chọn theo học nghề này. Em Nông Sỹ Thành, quê ở thị trấn Yến Lạc (Na Rì) hiện đang theo học tại Khoa Cơ điện chia sẻ: Lựa chọn ngành này bởi qua tìm hiểu em thấy ngoài cơ hội xin được việc làm ở các cơ quan, doanh nghiệp thì còn có thể tự mở cửa hàng sửa chữa đồ điện để có thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình. Trong quá trình học tập tại trường, bên cạnh sự tận tình hướng dẫn của giảng viên thì với mỗi môn học khác nhau đều được thực hành với đầy đủ trang thiết bị...

Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề của Trường Cao đẳng Bắc Kạn được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề của Trường Cao đẳng Bắc Kạn được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại.

Từ năm 2021 đến nay, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo hơn 300 HSSV theo học nghề điện, trong đó đã có hơn 200 em ra trường. Qua tìm hiểu thực tế, nhiều trường hợp có việc làm hoặc tự tạo việc làm theo nghề mình đã học với thu nhập tốt.

Thầy giáo Vũ Tú Uyên, Phó Trưởng khoa Cơ điện cho biết: Khoa Cơ điện có chức năng, nhiệm vụ đào tạo các nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp, điện dân dụng ở ba cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Trong quá trình học nghề, ngoài được trang bị những kiến thức về lý thuyết, HSSV được thực hành 65% số tiết học trên các mô hình hiện đại, như: Lắp hệ thống điện cho căn hộ, nhà xưởng; lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành các thiết bị điện dân dụng, điện công nghiệp; phát hiện kịp thời các sự cố về điện, sử dụng thành thạo các dụng cụ đo, kiểm tra điện...

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong năm 2023, Trường Cao đẳng Bắc Kạn tiếp tục rà soát, xây dựng các ngành nghề mới, đăng ký bổ sung thêm 02 nghề trình độ sơ cấp (Sửa chữa, bảo dưỡng máy động lực nhỏ; điện công nghiệp, dân dụng) và 01 nghề trung cấp trồng trọt bảo vệ thực vật. Biên soạn chương trình đào tạo ngành nghề mới; biên soạn, chỉnh sửa giáo trình và phát triển chương trình đào tạo cập nhật các kiến thức mới (17 chương trình, giáo trình cao đẳng, trung cấp, sơ cấp được xây dựng, chỉnh sửa; xây dựng, ban hành chương trình 03 nghề sơ cấp, 07 nghề đào tạo dưới 3 tháng).

Thực hành kỹ thuật nghề chăn nuôi thú y.

Thực hành kỹ thuật nghề chăn nuôi thú y.

Nhà trường luôn xác định đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội. Vì thế, HSSV vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành tại trường và thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Điều này giúp các em có môi trường học tập sát thực với môi trường làm việc sau này, tích lũy, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm ngay trong quá trình học; sau khi ra trường, các em có thể làm nhân viên kỹ thuật trong các nhà máy, công ty hay tự tạo việc làm với thu nhập ổn định.

Đồng chí Bế Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho biết: Định hướng phát triển của nhà trường là trở thành cơ sở đào tạo đa ngành nghề và đa lĩnh vực. Khắc phục những khó khăn, nhà trường đã và sẽ tập trung đổi mới hoạt động tư vấn định hướng nghề và tuyển sinh; đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động liên kết đào tạo; đào tạo theo địa chỉ; nghiên cứu xây dựng các mã ngành đào tạo mới phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường lao động để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao./.

Xem thêm