Dự hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính, một số ngành liên quan và đại diện HTX, các nhóm hộ nông dân.
Mô hình xử lý bã dong riềng triển khai từ năm 2023 với quy mô 10 tấn bã dong/mẻ, mục đích nhằm nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bã dong riềng làm phân bón cho cây trồng, quá trình triển khai đơn vị đã hướng dẫn bà con quy trình xử lý như cách sơ chế nguyên liệu, tỷ lệ phối trộn, cách ủ lên men. Kết quả sau 40-45 ngày ủ, trộn, phân chuyển màu đen, có độ tơi xốp, không có mùi hôi, đáp ứng các chỉ tiêu về chất lượng, tiêu chuẩn về phân bón.
Đề tài còn nghiên cứu thử nghiệm thức ăn chăn nuôi từ bã dong riềng bằng cách phối trộn bã dong riềng với các chế phẩm như rỉ đường, cám gạo... thông qua quá trình lên men tự nhiên, thời gian là 6 tháng.
Sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ bã dong riềng được đánh giá là giàu dinh dưỡng, thích hợp trong mùa đông khan hiếm nguồn thức ăn. Hội nghị đánh giá kết quả của đề tài cơ bản thành công, các sản phẩm thân thiện môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có là phế phẩm nông nghiệp tại địa phương, qua đó tạo thành các sản phẩm có ích, phục vụ tái sản xuất trên cây trồng, vật nuôi.
Cách hướng dẫn làm phân bón hữu và thức ăn chăn nuôi từ bã dong riềng được đánh giá là dễ làm, dễ áp dụng, chi phí thấp, phù hợp với các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn.