Đối với nhiều nhà báo ở nước ta khi được gặp và làm việc với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (tên thân mật thường gọi là Năm Phiêu) đều có chung một cảm nhận: đó là nhà lãnh đạo có tác phong bình dị, cởi mở, thân tình, rất dễ tiếp cận, tạo cho nhà báo tự tin và mạnh dạn thể hiện những mong muốn trong tác nghiệp báo chí.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tham quan Phòng truyền thống của TTXVN trong lần đến dự và phát biểu tại chương trình Giao lưu kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa Thông tấn xã Việt Nam với Sư đoàn Vinh Quang-Sư đoàn 304, ngày 15-4-2015. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Vì vậy, trong cuộc gặp mặt nhân các sự kiện lớn, như các Kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương, các cuộc đến thăm Hội báo Xuân toàn quốc, hoặc đi thăm, làm việc ở địa phương…, anh chị em phóng viên đều thấy thoải mái khi thực hiện các cuộc phỏng vấn Tổng Bí thư về những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Cởi mở và tin cậy những người làm báo, anh Năm Phiêu vui vẻ nói rằng, “trước khi đăng, không cần thiết phải đưa mình xem lại, trừ những vấn đề nhạy cảm về đối nội và đối ngoại”.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Kim Toàn còn nhớ như in một kỷ niệm theo anh suốt chặng đường làm báo: đó là vào đầu năm 1999, khi nhận được số báo đầu tiên của tờ Hải Phòng dành cho ngoại thành và hải đảo, đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc Thư ký điện chúc mừng một ấn phẩm chuyên viết về nông dân và ngư dân - một lực lượng lao động quan trọng, rất cần cù, dũng cảm, nhưng cuộc sống hiện tại còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Do vậy, tờ báo cổ vũ đối tượng này là đúng và trúng, nhưng cố gắng viết ngắn để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ.
Quan điểm báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, mà còn là diễn đàn của nhân dân, được Tổng Bí thư thường xuyên nhắc nhở những người làm báo cách mạng. Ngày 30-12-1998, tròn một năm nhận nhiệm vụ làm Tổng Bí thư, anh Năm Phiêu đến thăm và làm việc với cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nhân Dân nhân hai năm báo từ bốn trang tăng lên tám trang, một năm rưỡi ra Báo Nhân Dân hằng tháng và sáu tháng Báo Nhân Dân điện tử phát trên mạng in-tơ-nét. Tôi nhớ khá rõ, trong đoạn mở đầu, Tổng Bí thư nói vì sao Bộ Chính trị đồng ý tăng trang và bổ sung vào măng-sét dòng thứ hai là “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam” vì xưa nay do tờ báo chỉ có bốn trang, việc phản ánh ý kiến của nhân dân chung quanh các vấn đề về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế. Bây giờ “đất đăng” được mở rộng rồi, báo Đảng cần làm tốt việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Không có nhân dân, không dựa vào Dân, làm sao thực hiện được chủ trương đổi mới đất nước? Từ ý thức đề cao và coi trọng sức mạnh nhân dân, anh Năm Phiêu đồng tình và hoan nghênh báo Đảng mở chuyên mục “Nhân dân với cuộc đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực” được kéo dài trong suốt thời gian Bộ Chính trị khóa VIII chỉ đạo triển khai Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng” (thường được gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2). Theo đó, trên cương vị là Tổng Biên tập báo, tôi được Anh quyết định tham gia Đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết quan trọng này ở một số địa phương do đồng chí Trần Đình Hoan, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn; đồng chí Vũ Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm Phó Trưởng đoàn. Từ thực tiễn các chuyến đi khảo sát ấy, giúp tôi hình thành và hoàn thiện các đề tài ngắn hạn và dài hạn trong việc tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng trên Báo Nhân Dân. Sau này, Ban Biên tập đã điều động đồng chí Thanh Phong đang làm nhiệm vụ phóng viên thường trú ở Nghệ An và Hà Tĩnh ra Tòa soạn nhận nhiệm vụ chuyên trách về lĩnh vực này. Chúng tôi xúc động trước sự quan tâm cụ thể của Tổng Bí thư đã chỉ thị Văn phòng Trung ương bố trí cho đồng chí Thanh Phong một căn hộ nhỏ tại Khu tập thể Vạn Bảo để chuyển gia đình từ Vinh ra đây, giúp đồng chí yên tâm công tác.
Cũng cần nói thêm rằng, với Báo Nhân Dân, Anh đã dành sự quan tâm từ cái nhỏ đến cái lớn. Khi đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, anh Năm Phiêu là Thường trực Bộ Chính trị (khóa VIII, Trung ương Đảng không lập Ban Bí thư) khi quyết định ra báo tám trang, anh Năm đã ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Mua và đọc báo, tạp chí của Đảng”, mà cho đến nay, Chỉ thị đó vẫn còn hiệu lực, những người làm công tác trong hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương không bao giờ quên ơn Anh. Ngày 10-3-2001 nhân dịp kỷ niệm tròn nửa thế kỷ Báo Nhân Dân ra số đầu, anh Năm Phiêu cho ý kiến rất cụ thể về Tờ trình của Ban Biên tập chung quanh các hoạt động kỷ niệm, trong đó có việc mời lãnh đạo một số báo của các Đảng cộng sản, như Lào, Trung Quốc, Pháp, Cu-ba sang dự. Tổng Bí thư đã dành hơn một giờ tiếp các trưởng đoàn, vui vẻ và cởi mở trả lời các câu hỏi của Bạn về quan hệ giữa lãnh đạo của Đảng với việc phát huy quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Sau buổi đó, đồng chí Tổng Biên tập Báo Pravđa (Sự Thật) của Đảng Cộng sản Liên bang Nga tâm sự: “Tôi mơ sau một đêm, tờ Pravđa có được hạnh phúc như tờ Nhân Dân!”.
Trong công tác của Hội Nhà báo Việt Nam, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ khóa VI và Chủ tịch Hội khóa VII, tôi nhớ mãi mấy sự kiện lớn: đó là vào ngày 27-11-1998, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng (lúc đó phụ trách công tác tư tưởng) đã tham dự từ đầu tới cuối cuộc Hội thảo toàn quốc về “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo”. Bài phát biểu hôm đó của anh Năm Phiêu đã phân tích rất cụ thể về mối quan hệ đức - tài của người làm báo, nhấn mạnh nội dung “đức” của nhà báo là thông tin trung thực, khách quan, biết chọn lọc thông tin vì lợi ích của Đảng và nhân dân, vì vậy “đức” phải là cái gốc của mỗi người làm báo. Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có bút phê đồng ý Tờ trình của Đảng đoàn và Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa VII, trong đó có một kiến nghị: từ nay trở đi gọi Ngày Báo chí với cái tên đầy đủ là “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam” vì lấy mốc thời gian từ ngày 21-6-1925, báo Thanh Niên - cơ quan của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng ra số đầu do Bác Hồ sáng lập và làm chủ bút.
Anh Năm Phiêu còn quan tâm các hoạt động văn hóa và việc tuyên truyền văn hóa trên báo chí. Chính Anh trên cương vị Tổng Bí thư đã chỉ đạo và chủ trì Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Lúc về hưu, anh vẫn đầy trách nhiệm góp ý một số vấn đề cụ thể trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Anh chị em ở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương rất xúc động khi hầu hết các cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc triển khai Nghị quyết quan trọng này, anh Năm Phiêu đều tham dự và có phát biểu tham luận. Tôi đơn cử mấy cuộc tiêu biểu, như “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (tại TP Hồ Chí Minh ngày 9-10-12-2011); “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử” (ngày 15-2-2012 tại Hà Nội); “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” (ngày 27-28-11-2013 tại TP Hồ Chí Minh); “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” (ngày 11-12-11-2014 tại TP Hồ Chí Minh). Đặc biệt, cuộc Hội thảo “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” (tổ chức ngày 3-4-10-2015 tại TP Hồ Chí Minh), trước đó một tuần diễn ra Hội thảo, anh Năm Phiêu báo tin cho tôi: “mình bị đau chân, có thể không vào dự được. Nhưng sẽ cố gắng hết mình”. Và, Hội đồng đã được đón Anh vào dự với niềm vui khôn xiết!
Vâng, Anh luôn cố gắng hết mình vì Đảng, vì Dân từ tuổi 18 đứng trong đội ngũ của Đảng đến tuổi 89 trút hơi thở cuối cùng về cõi vĩnh hằng!
Cầu chúc vong linh Anh thanh thản nơi chín suối!
Xin kính cẩn vĩnh biệt Anh!
Hà Nội, ngày 8-8-2020
NGUYỄN HỒNG VINH
Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân