Hành khách đeo khẩu trang khi tới ga tàu điện ngầm tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 7/1. (Ảnh: Reuters) |
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 14/2, cho biết, tại một số quốc gia, tỷ lệ bao phủ vaccine cao cùng với việc mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron thấp hơn đang dẫn tới thông tin sai lệch rằng đại dịch đã kết thúc. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vaccine và xét nghiệm thấp tại các quốc gia khác đang tạo điều kiện lý tưởng để các biến thể mới xuất hiện.
"Chúng ta có thể kiểm soát đại dịch trong năm nay, nhưng có nhiều nguy cơ chúng ta đang phung phí cơ hội đó", ông Ghebreyesus cảnh báo. Người đứng đầu WHO cho biết thêm, có 116 quốc gia đang không theo kịp mục tiêu chung của thế giới là tiêm ngừa Covid-19 cho 70% dân số của tất cả các quốc gia vào giữa năm 2022.
Do đó, WHO đưa ra ba đề xuất: thứ nhất, để tiêm ngừa Covid-19 cho toàn thế giới, WHO đề nghị tất cả các quốc gia ủng hộ mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số mà tổ chức này đặt ra; thứ hai, để cứu người ngay lúc này, WHO đề nghị tất cả các nước đóng góp cho Sáng kiến “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19”, đặc biệt là khoản tiền 16 tỷ USD; thứ ba, chúng ta cần ủng hộ các mô hình như trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA tại Nam Phi và mạng lưới của nó trên khắp thế giới để xây dựng năng lực kiểm soát Covid-19 và các bệnh có thể phòng ngừa khác.
Tuần trước, New York (Mỹ) đã sa thải hơn 1.400 nhân viên, tương đương gần 1% lực lượng lao động của thành phố, vì những người này không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm chủng. Thị trưởng Eric Adams ngày 14/2 thông báo 1.428 nhân viên, những người đã nghỉ phép không lương trong nhiều tháng qua, đã được thông báo chấm dứt hợp đồng sau khi họ không chấp nhận tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Hai nhân viên mới khác, những người phải tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt hơn, cũng phải nghỉ việc do không tiêm hai liều vaccine.
Theo ông Adams, 370.000 nhân viên của thành phố New York đã tiêm chủng trước hạn chót. Hiện, khoảng 95% nhân viên đã tiêm ít nhất một liều vaccine, tăng 84% so với thời điểm quy định bắt buộc tiêm chủng được công bố lần đầu vào tháng 10/2021.
"Mục tiêu của chúng tôi luôn luôn là tiêm ngừa cho nhân viên, không phải là sa thải, các nhân viên của thành phố đã đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng yêu cầu đặt ra", ông Adams cho biết trong một thông cáo. Nhiều chuyên gia y tế đánh giá, quy định bắt buộc tiêm ngừa Covid-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc thuyết phục thêm nhiều người tiêm chủng.
Hiện khoảng 9.000 nhân viên của thành phố New York vẫn chưa tiêm ngừa Covid-19. Nhiều người đang tìm cách để được miễn trừ hoặc làm việc với các liên đoàn để không bị sa thải.
Theo quy định, tất cả nhân viên của thành phố New York đều phải tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19. Nhân viên mới phải tiêm hai liều nếu họ đã tiêm loại vaccine gồm hai liều cơ bản. Mũi vaccine tăng cường là không bắt buộc, song Thị trưởng Adams cho biết ông đang cân nhắc về việc tiêm tăng cường cho nhân viên.
Tại Canada, tỉnh đông dân nhất nước này Ontario cũng đã quyết định dỡ bỏ hệ thống hộ chiếu vaccine kể từ ngày 1/3, đồng thời đẩy nhanh giai đoạn hai của tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Dù vậy, các tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục yêu cầu chứng nhận về việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Về yêu cầu đeo khẩu trang sẽ vẫn được chính quyền Ontario áp dụng vào thời điểm này. Tất cả các hạn chế về sức chứa trong các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 17/2.
Cơ quan y tế cộng đồng Thụy Điển khuyến nghị người từ 80 tuổi trở lên nên tiêm liều vaccine tăng cường thứ hai, điều đó có nghĩa rằng nhóm tuổi này nên tiêm bốn liều vaccine. Cơ quan này cũng cảnh báo, khi Thụy Điểm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được ban bố để kiểm soát đại dịch, virus sẽ lây lan nhanh giữa những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố tuần trước cho thấy khả năng bảo vệ bổ sung của các mũi tiêm nhắc lại có xu hướng giảm đáng kể sau khoảng 4 tháng.
Thụy Điển đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ phần lớn biện pháp hạn chế từ tháng 2/2022, trong đó có các quy định về làm việc ở nhà và giới hạn về quy mô các cuộc tụ tập. Tương tự nhiều quốc gia khác, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh trong tháng 1 vừa qua do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Số ca mắc mới tại Thụy Điển đã giảm song vẫn ở mức cao.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 15/2 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 413.760.602 ca mắc, 5.843.857 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 145.048.421 ca mắc, 1.664.686 ca tử vong
2. Châu Á: 108.714.159 ca mắc, 1.321.426 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 93.276.589 ca mắc, 1.366.339 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 52.224.783 ca mắc, 1.239.118 ca tử vong
5. Châu Đại Dương: 3.151.823 ca mắc, 7.098 ca tử vong
6. Châu Phi: 1.239.118 ca mắc, 245.175 ca tử vong
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 79.472.290 ca mắc, 945.710 ca tử vong
2. Ấn Độ: 42.690.794 ca mắc, 509.388 ca tử vong
3. Brazil: 27.541.131 ca mắc, 638.913 ca tử vong
4. Pháp: 21.735.302 ca mắc, 135.189 ca tử vong
5. Anh: 18.348.029 ca mắc, 159.605 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 4.844.279 ca mắc, 145.321 ca tử vong
2. Philippines: 3.639.942 ca mắc, 55.094 ca tử vong
3. Malaysia: 3.061.550 ca mắc, 3.061.550 ca tử vong
4. Thái Lan: 2.608.227 ca mắc, 22.465 ca tử vong
5. Việt Nam: 2.540.273 ca mắc, 39.037 ca tử vong
6. Myanmar: 548.357 ca mắc, 19.311 ca tử vong
7. Singapore: 478.577 ca mắc, 906 ca tử vong
8. Lào: 139.244 ca mắc, 597 ca tử vong
9. Campuchia: 123.955 ca mắc, 3.015 ca tử vong
10. Brunei: 23.992 ca mắc, 98 ca tử vong
Theo nhandan.vn