Armenia đối mặt nguy cơ cách mạng màu

Tuy nhiên, chính quyền ở Armenia lại mạnh hơn phe đối lập, nên mặc dù không khí ở nước này vẫn căng thẳng, song tổng thống và chính phủ kiểm soát toàn bộ tình hình.

Cuộc biểu tình hoà bình của phe ủng hộ cựu Tổng thống Levon Ter-Petrosian, người bị thua cử với Thủ tướng Serge Sarkisian hôm 1.3 đã biến thành cuộc ẩu đả tại thủ đô Yerevan, khiến 8 người bị chết, 48 người dân và 117 cảnh sát bị thương. Sang ngày hôm sau Quốc hội Armenia đã nhóm họp bất thường và thông qua sắc lệnh của Tổng thống Robert Kocharian về ban bố tình trạng khẩn cấp ở Yerevan trong vòng 20 ngày.

Tình hình trở nên tương đối ổn định và bắt đầu các vụ bắt bớ những người gây ra vụ ẩu đả. Truyền hình Armenia phát lại đoạn băng quay sự kiện ngày 1.3 cho thấy chính "những người biểu tình hoà bình" đã kích động đụng độ với cảnh sát. Quốc hội Armenia truất quyền bất khả xâm phạm của 4 đại biểu là Akopian, Malkhasian, Mikaelian và Sukiasian, mở đường để Viện Công tố Armenia khởi tố và bắt giam họ.

Phát biểu trên truyền hình, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát, trung tá G. Petrosian kêu gọi người dân "không nên ra đường và lặp lại sự kiện 1.3", đồng thời tuyên bố "toàn bộ lực lượng cảnh sát quyết tâm giáng trả những hành động bất hợp pháp".

Đây là lời đáp gián tiếp đối với Ter-Petrosian và phe cánh của ông ta. Các nhà phân tích dự đoán rằng rất có thể sau thời hạn 20 ngày thì đụng độ lại xảy ra theo hình thức này hay hình thức khác, bởi vị cựu tổng thống có "biệt tài" tổ chức những sự kiện đại loại như vậy. Ông Armen Aivazian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược "Ararat", nhận xét: "Nguy cơ xảy ra những sự kiện tương tự đe doạ sự tồn vong của quốc gia Armenia".

Dư luận có cảm giác là phe đối lập đang tự đặt ra nhiệm vụ "quan trọng" hơn, mà không mấy để ý đến 8 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, những cuộc cách mạng màu thường "thành công" trong những trường hợp khi chính quyền bị mất sự ủng hộ nội bộ phải tìm đến sự hậu thuẫn từ bên ngoài và trở thành con tin cho các thế lực bên ngoài. Những toan tính cho sự can thiệp như vậy chúng ta có thể nhìn thấy ở Armenia ngày hôm nay.

Đại diện của nhiều nước phương Tây đang tích cực có mặt tại Yerevan làm trung gian hoà giải giữa chính quyền và phe đối lập. Mục đích thì cao cả, nhưng chỉ là tung hoả mù để đòi thả những người kích động ẩu đả để họ tiếp tục hoàn thành phần công việc dang dở.

Cũng cần phải khẳng định rằng sự quan tâm không hề che giấu của phương Tây đối với những sự kiện diễn ra tại Armenia lại trùng với cuộc xung đột leo thang ở Nagorno Karabakh, vùng đất tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Ngày 4.3 đã xảy ra cuộc đọ súng ở khu vực Mardakert, mà theo lời của ông

V.Oskanian - Ngoại trưởng Armenia, thì phía Azerbaijan đã sử dụng cả lực lượng đặc nhiệm và xe bọc thép. Xung đột tạm thời lắng xuống sau khi hai nước cam kết ngừng bắn.

Armenia đang lâm vào hoàn cảnh phức tạp: Trong một thời gian ngắn phải giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ như trừng trị những kẻ gây rối, thông qua những biện pháp khẩn cấp ổn định đất nước, đưa xã hội thoát khỏi hệ thống con ông cháu cha tham nhũng được đặt nền móng từ thời cầm quyền của Ter-Petrosian. Nếu chính quyền không làm được điều đó, Armenia sẽ phải đối mặt với những thử thách bội phần.

Xem thêm