Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống tại phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn). |
Theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới, ông Trần Quang Hiệp, căn cứ tình hình thực tế, để nâng cao chất lượng các lớp dạy nghề, đơn vị đã tập trung điều tra, khảo sát nhu cầu của người học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; xây dựng chương trình theo hướng mở, thiết kế gọn nhẹ, phù hợp thực tiễn, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và thị trường lao động, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình học, học viên vừa được học lý thuyết vừa được thực hành, nên kết thúc khóa học đều có tay nghề vững, có thể áp dụng vào thực tế ngay.
Tham gia lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống do Phòng Lao động -, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn phối hợp với Viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, chị Phạm Thị Ngọc Dung, ở tổ 11B, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn), cho biết: Nội dung lớp học được giảng viên kết hợp vừa truyền đạt lý thuyết, vừa hướng dẫn học viên thực hành. Học viên hướng dẫn các kỹ năng pha chế đồ uống từ truyền thống cho đến hiện đại, cách nhận biết các dụng cụ pha chế, thực hành pha chế các loại đồ uống, như: Sinh tố hoa quả, cocktail, soda, trà, sữa… Các kiến thức này không chỉ giúp học viên có thể áp dụng vào thực tế để phục vụ mọi người trong gia đình, mà có thể giúp tìm kiếm, tự tạo việc làm để có thể thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Lãnh đạo UBND TP. Bắc Kạn trao chứng chỉ cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. |
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vì thế, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, tạo việc làm tăng dần qua các năm. Các lớp đào tạo nghề đều được định hướng gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các ngành nghề được tổ chức đa dạng, phong phú đã đã giúp cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, nhu cầu tìm việc làm của bản thân.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, TP. Bắc Kạn là một trong các đơn vị phối hợp tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất tỉnh, với 22 lớp đã được tổ chức, có 770 học viên tham gia. Các lớp đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu đăng ký của người dân, khá đa dạng, như: Pha chế đồ uống; trồng, khai thác rừng; nuôi, phòng trị bệnh cho thủy cầm; may công nghiệp; chế biến món ăn...
Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, cùng với tập trung điều tra, khảo sát nhu cầu của người học thì việc phối hợp với các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm trong công tác này rất quan trọng. Thời gian qua, căn cứ nhu cầu của người học, Phòng thường xuyên phối hợp với các đơn vị, như: Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty TNHH Thương mại & Giáo dục Thăng Long (Hà Nội)... để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới tổ chức bế giảng, trao chứng chỉ cho học viên tham gia lớp đào tạo nghề trồng và khai thác rừng tại xã Tân Sơn. |
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong thời gian tới các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc về chủ trương, chính sách về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Làm tốt công tác dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề, đồng thời gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.../.