Người dân xã Cao Sơn chăm sóc, bổ sung thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. |
Cao Sơn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, cũng là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc. Ngay từ đầu mùa đông, chính quyền xã đã chú trọng chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các hộ dân chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, tích trữ rơm rạ làm nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong những ngày giá buốt.
Bà Đinh Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn trao đổi về công tác phòng, chống rét cho gia súc. |
Toàn huyện Bạch Thông hiện có trên 4.700 con đại gia súc, trên 21.000 con lợn, gần 3.200 con dê và 288.000 con gia cầm. Công tác phát triển đàn vật nuôi của huyện cơ bản đạt và vượt kế hoạch trong năm đề ra. Huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm. Ngay từ tháng 10, Bạch Thông đã ban hành Phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ Đông – Xuân năm 2023-2024.
Theo thống kê, diện tích trồng cỏ, cây thức ăn hiện có trên địa bàn toàn huyện khoảng 45ha. Sau khi hoàn thành thu hoạch vụ mùa, bà con đã thu gom các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trong mùa đông như: Rơm, rạ, lá cây ngô, ngọn lá múa, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc… Một số hộ chăn nuôi đã chủ động áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến (ủ rơm với urê, ủ chua thức ăn) để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Đồng thời trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho trâu, bò.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động tích trữ rơm, rạ ngay sau thu hoạch vụ mùa. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, ông Hoàng Văn Kiệm cho biết: Trong đợt lạnh này, tại xã Cao Sơn có 01 con bê bị chết. Thời điểm này, huyện đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã tổ chức thực hiện tốt các nội dung tại Phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ Đông – Xuân năm 2023 - 2024. Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các biện pháp chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là trong dịp rét đậm, rét hại kéo dài. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, các hộ dân tiến hành gia cố chuồng trại, che chắn kỹ và tránh gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng độn, rải rơm, rạ hoặc trấu khô để giữ khô thoáng, lót ấm, đặc biệt là phải tạo nguồn nhiệt sưởi cho vật nuôi khi thời tiết giá rét, nhiệt độ giảm sâu bất thường. Các hộ chăn nuôi cần tiếp tục dự trữ thức ăn và sưởi ấm cho đàn vật nuôi. Ngoài rơm rạ và thức ăn tươi, bà con cần chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng; tăng cường chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu và gia súc non…
Mức cho ăn đối với trâu, bò: Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể vật nuôi: Trâu, bò 300kg thì cho ăn 30kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ. Ngoài ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ voi) với trọng lượng 7-10kg/ngày để nâng cao tỷ lệ tiêu hóa; bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo (khoảng 0,5-1kg/con/ngày). Trong những ngày giá rét cho trâu, bò uống nước ấm có hòa muối với lượng khoảng 5g/100kg thể trọng.
Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của gia súc, do vậy các xã thường xuyên cập nhập diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời tới người dân, có kế hoạch cụ thể bảo vệ đàn vật nuôi. Mặt khác, để hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, ngành chuyên môn và địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện phòng, chống đói rét cho đàn gia súc của các hộ chăn nuôi./.