Tổ công tác thống kê GPMB tại xã Nông Thượng. |
Quá trình tới hiện trường để phản ánh việc triển khai công tác GPMB tại các khu vực này, phóng viên Báo Bắc Kạn đã phát hiện nhiều dấu hiệu người dân tranh thủ thay đổi hiện trạng đất để “đón" đền bù. Việc này gây nhiều khó khăn cho công tác thống kê, kiểm đếm của Tổ công tác GPMB, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Những cây mộc hương được trồng khá nhiều trên diện tích đất đồi tại khu vực tổ 16, phường Sông Cầu (trong phạm vi GPMB tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn). |
Dân đổ xô trồng cây mộc hương
Từ đường Nông Quốc Chấn rẽ vào ngõ 351 khu vực tổ 16 phường Sông Cầu, đi khoảng 100 mét, phóng viên ghi nhận những vạt đồi vừa được trồng rất nhiều cây hoa mộc hương hay còn gọi là hoa mộc. Loại cây này còn được trồng chi chít ven đường, cứ hở chỗ đất nào là được trồng luôn chỗ đó. Cây có chiều cao trung bình khoảng 1 mét, đường kính thân khoảng 2cm, trồng san sát với khoảng cách chưa đến một mét/cây.
Chiếu theo bản đồ thiết kế tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn thì khu vực đồi này nằm trọn trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Sự vội vàng trong kỹ thuật trồng loại cây này thể hiện rõ khi chỉ cần nhẹ nhàng bới lớp đất mặt ở gốc cây đã nhìn thấy ngay túi bầu bọc rễ màu đen còn nguyên, thậm chí có cây còn chưa tháo dây buộc. Thiếu nước tưới lại chưa tháo bầu ni-lon nên nhiều cây đã bị héo lá, có cây lá úa vàng và bắt đầu có hiện tượng rụng lá. Theo số liệu kiểm đếm hiện trạng của cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố thì khu vực tổ 16 phường Sông Cầu có 02 thửa đất trồng mộc hương, gồm: Hộ ông M.V.Q có 558m2 đất, trồng 570 cây; hộ ông P.V.Đ có 2.900m2 đất, trồng 2.000 cây mộc hương loại thân có đường kính trung bình 2cm, cao trên 1m.
Phóng viên Báo Bắc Kạn tại một đồi trồng cây mộc hương tại khu vực tổ 16, phường Sông Cầu. |
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến xã Nông Thượng. Tại thôn Nà Choong, nơi Tuyến cao tốc sẽ đi qua, một số diện tích đồi và ruộng bà con đã trồng rất nhiều cây hoa mộc hương.
Tại thửa ruộng của một hộ dân dưới chân đồi, xen lẫn với ngô và cỏ dại là chi chít cây mộc hương cao chừng 25cm, trồng với khoảng cách chỉ khoảng 20cm/cây. Theo thống kê, hộ này đã trồng tới 2.700 cây giống mộc hương trên diện tích 300m2. Sát thửa ruộng này là đồi cây mỡ mới được khai thác, người dân phát dọn để trồng quế. Trên bề mặt đất còn vương tro đốt thực bì, xen lẫn cây quế vừa được trồng là những hàng cây mộc hương có chiều cao khoảng 1m cũng vừa được trồng, còn nguyên bầu chưa tháo bỏ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy phương pháp trồng xen canh khá lạ giữa cây lấy gỗ và cây cảnh trên đất đồi.
Mộc hương được trồng xen canh trên đồi cùng với cây quế. |
Có mặt trên cánh đồng Nà Chuông (vị trí cao tốc sẽ đi qua) cùng Tổ công tác GPMB, chúng tôi chứng kiến rất nhiều điều lạ lùng trên những diện tích đang được thống kê kiểm đếm. Thoạt nhìn từ xa ai cũng nghĩ rằng bà con chỉ trồng lúa, ngô, cây màu khác nhưng quan sát gần mới thấy có rất nhiều loại cây được trồng xen canh trên cùng một diện tích như: Thanh long, ngô và cây hoa mộc hương.
Được biết đây là thửa ruộng của ông T.Đ.H, tổng diện tích gần 400m2, theo thống kê có 300 cây mộc hương đường kính trên 2cm và 378 cây thanh long.
Trên một thửa ruộng thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng có tới 03 loại cây trồng gồm thanh long, mộc hương và ngô. |
Trên thửa ruộng khoảng 400m2 của hộ bà M. thôn Nà Chuông, cây ngô được trồng xen với cây lưỡi hổ (một loại cây cảnh). Tổ công tác đếm thực tế, mỗi luống có 132 cây ngô đồng thời cũng có 132 cây lưỡi hổ. Như vậy thửa ruộng này có trên 700 cây lưỡi hổ. Thửa ruộng sát bên cạnh dưới gốc cây mướp đắng cũng xuất hiện la liệt cây lưỡi hổ. Khi được hỏi vì sao lại trồng xen canh các loại cây này, bà M nói để tăng giá trị thu nhập vì cây này giá trị kinh tế cao. Hỏi rằng bà đã trồng lâu chưa? Bà M nói đã trồng được mấy tháng. Nhưng khi cán bộ của Tổ công tác nhấc thử một cây lên thì chưa hề có rễ mà chỉ là những chiếc lá cắm xuống mà thôi. Do số lượng cây trồng khá nhiều nên việc thống kê kiểm đếm rất mất thời gian, công sức.
Tổ công tác GPMB thống kê kiểm đếm tại đất của các hộ dân thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng. |
Ông Hoàng Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: Mộc hương là loại cây người dân trồng để làm cảnh, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền xuôi, ở Bắc Kạn chưa được trồng thành vùng tập trung, chưa được chứng minh hiệu quả kinh tế. Trong Kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2024 cũng như kế hoạch phát triển cây dược liệu của tỉnh Bắc Kạn thì cây mộc hương chưa có trong cơ cấu cây trồng được ngành nông nghiệp chỉ đạo phát triển. Khuyến cáo bà con cần trồng xen canh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, tránh lãng phí và không đạt hiệu quả.
Ông Hoàng Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn |
Lưới thép kiên cố quây kín khắp nơi
Ở nông thôn, người dân ít khi sử dụng lưới thép kiên cố để làm bờ rào, bờ ruộng hoặc chân đồi bởi việc đó không cần thiết, chi phí cao so với thu nhập. Thế nhưng ở xã Nông Thượng, một số hộ dân thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để mua lưới thép loại b40 khổ 1,5m để rào bờ rào, bờ ruộng và cả trên đồi cắm cọc tre để cố định, thậm chí còn có cả cọc thép kiên cố. Được biết giá lưới thép b40 trung bình 25.000 đồng/kg. Một mét dài lưới thép khổ 1,5m nặng khoảng 2kg, chi phí khoảng 50.000 đồng. Một thửa ruộng dài khoảng 60m, rộng 40m, ít nhất cần phải mất 10 triệu đồng lưới thép, chưa kể cây hoặc cọc thép cố định.
Lưới thép b40 được rào xung quanh bờ ruộng ở một số thôn thuộc xã Nông Thượng (TPBK), nhất là ở khu vực thuộc phạm vi GPMB. |
Theo số liệu của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Bắc Kạn, sau 1 tuần triển khai thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu tại xã Nông Thượng và tổ 16 phường Sông Cầu, tại 110 hộ dân trong phạm vi dự án có gần 50 hộ có cây trồng mới và rào lưới thép có dấu hiệu “đón" đền bù. Trước tình trạng này, Ban Bồi thường GPMB thành phố đã báo cáo lên cấp trên để có hướng chỉ đạo xử lý giải quyết. Báo Bắc Kạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này./.