Bài 2: Tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn, ứng dụng KHKT trong chăn nuôi

Để đầu tư vào chăn nuôi lợn với quy mô lớn cần có vốn, kinh nghiệm, đầu ra, diện tích mặt bằng....Bởi vậy để khuyến khích người dân đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng trang trại cần phải có sự vào cuộc tích cực của Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp...

Để đầu tư vào chăn nuôi lợn với quy mô lớn cần có vốn, kinh nghiệm, đầu ra, diện tích mặt bằng....Bởi vậy để khuyến khích người dân đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng trang trại cần phải có sự vào cuộc tích cực của Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp...

Mô hình trại lợn của anh Nguyễn Văn Nam ở tổ Tân Cơ, phường Xuất Hóa đang phát triển tốt, năm 2016 anh dự định nâng tổng đàn nái lên 800 con.
Mô hình trại lợn của anh Nguyễn Văn Nam ở tổ Tân Cư, phường Xuất Hóa đang phát triển tốt, năm 2016 anh dự định nâng tổng đàn nái lên 800 con

Mong muốn tiếp cận vốn để đầu tư lớn.
Số lượng trang trại lợn ở thành phố không nhiều, tiêu biểu như mô hình của anh Nguyễn Văn Nam ở tổ Tân Cư, phường Xuất Hóa; chị Bàn Thị Thành ở thôn Tân Thành (Nông Thượng); ông Hà Sỹ Phúc ở thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng. Đây thực sự là những điểm sáng cho những ai đang có ý định học tập, phát triển nghề chăn nuôi. Với việc được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học kỹ thuật, am hiểu thị trường nên những trang trại lớn này chưa gặp nhiều trở ngại trên con đường phát triển kinh tế. Nhưng để có cái đích của ngày hôm nay thì họ cũng phải trải qua những khó khăn như tìm vốn đầu tư, học hỏi khoa học kỹ thuật và nhất là phải tìm thấy đầu ra.  Qua tìm hiểu, trao đổi với các chủ hộ trang trại thì điều họ mong muốn ở đây chính là mong muốn Nhà nước tạo điều kiện về mặt bằng, có cơ chế vay vốn phù hợp để tăng quy mô trang trại.

Theo tính toán  mà chị Thành đưa ra trong năm tới chị muốn đầu tư thêm một trang trại với quy mô từ 500 đến 800 con lợn, nhưng số vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại phải lên tới 5 tỷ đồng. Chị Thành dự kiến sẽ dựng chuồng trại trên nền diện tích là 700m2, hiện tại thì đã chuẩn bị được mặt bằng, nếu thành công mô hình này còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Vấn đề ở đây là làm sao tiếp cận được nguồn vốn lớn là điều không hề dễ. Còn hộ anh Nguyễn Văn Nam thì cũng dự kiến trong năm tới sẽ đầu tư quy mô lên 800 con nái, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi mỗi tháng lên vài trăm tấn. Anh Nam phân tích: Đang rất muốn mở rộng mạng lưới chăn nuôi trong toàn tỉnh nhưng phải có sự liên kết của “4 nhà” để thuận lợi trong quá trình tiếp cận vốn,  thăm quan, học tập, tập huấn khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.  Nếu hình thành được vùng chăn nuôi lớn chắc chắc chắn sẽ  giúp cho việc tiêu thụ dễ dàng hơn nhờ thu hút được các nhà đầu tư, các thương lái… đặc biệt là thu hút được thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lớn như Trung Quốc.


Cần sớm thực hiện các chính sách đầu tư

Hiện trên địa bàn thành phố có 3 trang trại lớn, còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để giúp các hộ dân chăn nuôi, tháng 4 năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số về 11 về việc quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc với dự án có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 800 con trở lên đối với chăn nuôi lợn; Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Mức đầu tư với cơ sở chăn nuôi gia súc hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào, ngoài mức hỗ trợ trên dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí nhưng tối đa 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Duy Diệp- Trưởng phòng Kinh tế thành phố: Mặc dù thành phố đã tiếp nhận Nghị quyết HĐND tỉnh về khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp từ mấy tháng nay nhưng đến nay chưa thấy các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện, từ lúc nghe có cơ chế hỗ trợ đã có nhiều trường hợp đến hỏi về thủ tục xin hỗ trợ nhưng thành phố vẫn còn phải chờ động thái từ cấp trên. Cơ quan chuyên môn cũng sẵn sàng triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nhằm trang bị kiến thức trên cơ sở nhu cầu của nhân dân.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên - Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Chủ trương của thành phố là hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị. Tới đây nếu Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp sớm đi vào thực hiện, thành phố sẽ tạo điều kiện về mọi mặt để các hộ chăn nuôi sớm được tiếp cận vốn. Đồng thời  tăng cường  liên doanh, liên kết để tiến tới hợp tác trong việc mở rộng thị trường đầu tư, tiêu thụ sản phẩm trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Thành phố đang trên đà mở rộng, phát triển đô thị nên nhiều diện tích nông nghiệp đang dần bị thu hẹp để tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ. Với chủ trương đó thành phố sẽ tập trung khai thác sâu nông, lâm nghiệp, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy hoạch đồng bộ vùng chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó hướng trọng điểm vùng chăn nuôi ở tại 02 xã và 02 phường mới thành lập. Vận động nhân dân tích cực tham gia các đề án, các chương trình phát triển kinh tế chăn nuôi bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung chăn nuôi một số gia súc, gia cầm phù hợp như lợn, dê, gà…đảm bảo việc tốt việc phòng, chống dịch bệnh./.  Hết


Thu Trang

Xem thêm