TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Các quy định của pháp luật về người thực hiện trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý

BBK - Thời gian gần đây, một số hộ dân bị khởi tố về tội “Hủy hoại rừng” và là bị đơn trong vụ án tranh chấp đất đai, nhưng chưa hiểu hết các quy định về yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý và quy định trợ giúp pháp lý. Do vậy, hiểu thế nào về người thực hiện trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật về trợ giúp viên pháp lý?

Hỏi: Tôi bị khởi tố bị can về tội “Hủy hoại rừng”, do thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tôi được cơ quan Công an hướng dẫn viết đơn yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bào chữa trong quá trình giải quyết vụ án. Vậy tôi muốn hiểu các quy định của pháp luật về người thực hiện trợ giúp pháp lý?

Trả lời: Điều 17, Luật Trợ giúp pháp lý quy định:

Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

1. Trợ giúp viên pháp lý;

2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

3. Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

4. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.”

Hỏi. Tôi là bị đơn trong vụ án tranh chấp đất đai, do tôi là người dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tôi được hướng dẫn viết đơn yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, vậy tôi muốn hiểu rõ các quy định của pháp luật về trợ giúp viên pháp lý?

Trả lời: Điều 19, Luật Trợ giúp pháp lý quy định về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý:

1. Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có trình độ cử nhân luật trở lên;

c) Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

d) Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

đ) Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

2. Viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư được tập sự trợ giúp pháp lý tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thời gian tập sự trợ giúp pháp lý là 12 tháng. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phân công trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn người tập sự trợ giúp pháp lý và xác nhận việc tập sự trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm trợ giúp viên pháp lý. Tại cùng một thời điểm, 01 trợ giúp viên pháp lý không được hướng dẫn tập sự quá 02 người.

3. Người tập sự trợ giúp pháp lý được giúp trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý tại phiên tòa; không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Người tập sự trợ giúp pháp lý được cùng với trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý và đương sự khác trong vụ việc trợ giúp pháp lý khi được người đó đồng ý; giúp trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các hoạt động nghề nghiệp khác. Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn tập sự giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự trợ giúp pháp lý.

4. Người thuộc trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì được miễn, giảm thời gian tập sự trợ giúp pháp lý.

5. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 19 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Trợ giúp viên pháp lý bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn làm trợ giúp viên pháp lý quy định tại Điều 19 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;

b) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc;

c) Chuyển công tác khác hoặc thôi việc theo nguyện vọng;

d) Không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

đ) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo từ lần thứ 02 trở lên hoặc cách chức do thực hiện hành vi quy định tại điểm a, b, đ hoặc e khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể:

+ Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

+ Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý, sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

+ Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

+ Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

e) Đang bị cấm hành nghề trong thời gian nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Xem thêm