Cải tạo diện tích trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP

Theo định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn sẽ cải tạo, trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất 2.300ha cây ăn quả (gồm các loại cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó có 300ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh, giúp nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường lớn.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn sẽ cải tạo, trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất 2.300ha cây ăn quả (gồm các loại cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó có 300ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh, giúp nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường lớn.

Những năm gần đây, nhờ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình, đề án, diện tích trồng các loại cây đặc sản của tỉnh tăng nhanh cả về quy mô và sản lượng. Diện tích cây cam, quýt từ 2.439ha năm 2015, đến nay đạt 2.817ha, năng suất từ 64,7 tạ/ha tăng lên 80 tạ/ha. Một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP (cam quýt 5,8ha; hồng không hạt hơn 3ha) và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (32,7ha).

Mô hình trồng quýt theo quy trình VietGAP của ông Bàn Văn Thu ở xã Quang Thuận (Bạch Thông).
Mô hình trồng quýt theo quy trình VietGAP của ông Bàn Văn Thu ở xã Quang Thuận (Bạch Thông).

Ông Bàn Văn Thu  ở thôn Phiêng An II, xã Quang Thuận (Bạch Thông) tham gia áp dụng sản xuất khoảng 1ha cam, quýt theo quy trình VietGAP từ năm 2016. Từ khi được hướng dẫn canh tác theo quy trình VietGAP, từng cây được ông Thu cắt tỉa để số lượng quả thích hợp, quét vôi vào gốc khi chớm thu hoạch, sử dụng các loại chế phẩm sinh học an toàn. Qua đó cho thấy, những cây trồng trên địa hình dốc chất lượng quả đã được nâng lên, cây khỏe, mẫu mã quả đẹp, giá bán cao hơn trước đây.

Với diện tích 1.464ha cam, quýt, Bạch Thông đang là vựa quýt lớn nhất của tỉnh. Năm 2018 địa phương này đăng ký thực hiện 70ha cam, quýt sản xuất theo hướng VietGAP. Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Đinh Quang Hưng cho biết: Bên cạnh việc không mở rộng thêm diện tích trồng mới cam quýt. Đối với diện tích hiện có, huyện giao chỉ tiêu để các xã cải tạo các diện tích già cỗi, tập trung thâm canh tăng năng suất theo hướng an toàn thực phẩm. Mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên địa bàn huyện được nhiều người trồng cam, quýt hưởng ứng, chủ động đăng ký tham gia.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP” được triển khai năm 2016 với tổng diện tích 30ha tại 3 xã, gồm: Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông), Rã Bản (Chợ Đồn). Sau hơn một năm, cả 34 hộ tham gia đều nắm được quy trình canh tác, chăm sóc theo hướng dẫn, ghi chép sổ sách theo dõi quá trình sản xuất. Vườn quả thông thoáng, ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Năng suất quả năm 2017 tăng 20 - 22% so với trước khi áp dụng. Dự án xây dựng Hợp tác xã Toàn Thắng, xã Rã Bản được chứng nhận VietGAP trên diện tích hơn 5,8ha. Từ hiệu của quả dự án, ngành nông nghiệp chỉ đạo nhân rộng ra các diện tích quýt Bắc Kạn còn lại.

Các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn năm 2018 được giao thực hiện cải tạo, thâm canh sản xuất 200ha cam, quýt theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc chứng nhận VietGAP. Đến thời điểm này, thành phố Bắc Kạn đã thực hiện được 10ha cam, quýt; huyện Chợ Đồn đăng ký thực hiện 50ha cam, quýt tại xã Rã Bản, huyện Chợ Mới đăng ký cải tạo thâm canh, sản xuất đảm bảo an toàn 20ha cây ăn quả có múi.

Ngoài cây ăn quả địa phương, tỉnh Bắc Kạn cũng định hướng sản xuất theo quy trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP đối với cây chè. Diện tích chè hiện có của tỉnh là 2.775ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.500ha, sản lượng bình quân đạt 9.380 tấn/năm. Thời gian qua, các địa phương đã chủ động thực hiện cải tạo, trồng bổ sung hoặc thay thế những diện tích chè già cỗi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp. Toàn tỉnh có 324ha chè đã được đầu tư thâm canh tăng năng suất (Chợ Đồn 300ha, Chợ Mới 14ha, Ba Bể 10ha), trong đó: huyện Chợ Đồn có 10ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 10ha đạt tiêu chuẩn về sản xuất chè hữu cơ, 64ha được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; huyện Chợ Mới có 14ha chè shan tuyết Thái Lạo, xã Yên Cư được chứng nhận VietGAP.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt là định hướng của tỉnh đối với cây ăn quả địa phương. Theo đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bắc Kạn sẽ đầu tư thâm canh, tăng năng suất 1.500ha cam, quýt tại huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; 500ha hồng không hạt tại huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Ngân Sơn; 300ha mơ vàng tại thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và Bạch Thông. Trong đó, sản xuất theo quy trình VietGAP là 300ha, bao gồm: 200ha cam quýt, 50ha hồng không hạt và 50ha mơ.

Với diện tích và sản lượng như hiện nay thì việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm quýt, hồng không hạt, chè… là điều hết sức cần thiết. Định hướng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn nông nghiệp tốt VietGAP sẽ giúp nông sản của tỉnh vươn xa, đáp ứng xu hướng của thị trường hội nhập và hướng tới xuất khẩu./.

Lê Trang

Xem thêm