Cải thiện Chỉ số DTI: Bắt đầu từ những tiêu chí bị mất điểm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022, được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 12/7, Bắc Kạn xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giảm 12 bậc so với năm 2021. Tỉnh đang nỗ lực phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì họp với cán bộ một số sở, ngành và Văn phòng UBND tỉnh, bàn giải pháp, tham mưu cho tỉnh kế hoạch khắc phục Chỉ số DTI thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì họp với cán bộ một số sở, ngành và Văn phòng UBND tỉnh, bàn giải pháp, tham mưu cho tỉnh kế hoạch khắc phục Chỉ số DTI thời gian tới.

Nhiều nội dung bị mất điểm

Theo Đề án "Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia" do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, Chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh được cấu trúc theo 03 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bao gồm 09 chỉ số đánh giá chính với 98 chỉ số thành phần.

Năm 2020, chỉ số DTI của Bắc Kạn xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, tỉnh vươn lên xếp thứ 51/63. Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đạt 394,13 điểm, dù tăng 74,02 điểm so với năm 2021, nhưng xếp hạng giảm 12 bậc xuống thứ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Kết quả cụ thể theo 09 nhóm chỉ số như sau: Nhóm chỉ số về Hoạt động chính quyền số đạt 69,66/100 điểm. Nhóm chỉ số về Hoạt động kinh tế số đạt 68,31/100 điểm. Nhóm chỉ số về Nhận thức số tỉnh đạt 67,5/100 điểm. Nhóm chỉ số về nhân lực đạt 58,07/100 điểm. Nhóm chỉ số về hạ tầng tỉnh đạt 47,42/100 điểm. Nhóm chỉ số về Thể chế số tỉnh đạt 40/100 điểm. Nhóm chỉ số về Hoạt động xã hội số đạt 26,13/100 điểm. Nhóm chỉ số về An toàn thông tin mạng chỉ đạt 17,04/100 điểm. Nhóm chỉ số về Đô thị thông minh để tham khảo, không tính điểm.

Trong đó, có tới 34 chỉ số thành phần đạt điểm 0, trong đó có chỉ số mất điểm một cách rất đáng tiếc, khiến tổng điểm DTI của Bắc Kạn chỉ đạt 394,13/1.000 điểm.

Chỉ rõ nguyên nhân

Qua phân tích, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến các nhóm chỉ số đạt điểm thấp. Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức, khiến một số tiêu chí mất điểm như: Tỷ lệ công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số; Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến; Số lượng hộ gia đình có địa chỉ số… Việc thu thập số liệu, tài liệu kiểm chứng chưa đạt chất lượng cao.

Về khách quan, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn nên nhiều chỉ số thành phần rất khó thực hiện như: Tỷ lệ người dân trưởng thành, hộ gia đình có điện thoại thông minh; tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet băng rộng; số lượng doanh nghiệp nền tảng số; ứng dụng các nền tảng số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; tỷ lệ tài khoản người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ người dân có chữ ký cá nhân, chữ ký điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử...

Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành tháng 5/2022, một số nội dung tiêu chí mới, khó thu thập, xác định số liệu như: Tỷ trọng Kinh tế số trong GRDP, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số, số lượng tên miền .vn, số lượng người dân biết kỹ năng công nghệ thông tin…

Bên cạnh đó, bộ chỉ số này được xây dựng theo định hướng áp dụng trong vài năm tới. Do đó, nhiều tiêu chí chưa phù hợp điều kiện thực tiễn hiện tại. Mặt khác, nguồn ngân sách của tỉnh rất hạn hẹp nên các chỉ số thành phần liên quan đến nguồn kinh phí khó đạt điểm cao. Trình độ ứng dụng về công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nền tảng, ứng dụng số…

Đề ra giải pháp và khẩn trương bắt tay thực hiện

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh, ngày 25/7, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã rà soát từng nội dung tiêu chí, xác định rõ nội dung, đề xuất cụ thể giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022, nâng cao chất lượng chỉ số năm 2023. Xây dựng dự thảo kế hoạch phân công cụ thể đơn vị đầu mối theo dõi, đơn vị chủ trì thực hiện, đơn vị phối hợp thực hiện cho từng tiêu chí.

Kế hoạch này là tiền đề để từng đơn vị, địa phương xác định được ngay việc làm cụ thể để góp phần nâng cao chất lượng chỉ số chuyển đổi số năm 2023 nói riêng, chất lượng hoạt động chuyển đổi số của tỉnh nói chung.

Trong đó, một số giải pháp nổi bật đã được đại biểu các ngành xác định như: Ấn định thời gian cụ thể cho các nhiệm vụ; chỉ đạo đồng bộ việc tạo và quy định hoạt động chuyên mục chuyển đổi số trên 100% hệ thống truyền thanh cơ sở; đề ra giải pháp thuê chuyên gia chuyển đổi số; giao trách nhiệm lập, phê duyệt hồ sơ đề xuất an toàn thông tin theo cấp độ; xây dựng phương án ứng cứu sự cố; tổ chức diễn tập an toàn thông tin; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được điền sẵn thông tin; thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số; thu hút doanh nghiệp CNTT-Viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh…

Sau khi xin ý kiến các sở, ngành, địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch để các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Trước mắt, các ngành tích cực triển khai một số nội dung như: Kế hoạch thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn"; rà soát, tái cấu trúc thủ tục hành chính; triển khai các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số năm 2023; thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu…

Với tinh thần trách nhiệm cao, nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém để khắc phục, hy vọng những giải pháp trên sẽ phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới./.

Xem thêm