Cần luật hóa quy định trách nhiệm của Tòa án về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử

BBK - Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần luật hóa quy định trách nhiệm của Tòa án về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần luật hóa quy định trách nhiệm của Tòa án về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.

Phát biểu tại phiên họp, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và từ thực tiễn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã thể hiện quan điểm đồng tình đối với một số vấn đề được quy định trong dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu Thủy cho rằng cần luật hóa hoạt động Tòa án có trách nhiệm giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử vào trong dự thảo luật, vì điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Đại biểu nêu rõ, một người chỉ bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, kể cả khi có kết luận của cơ quan điều tra hoặc cáo trạng của Viện Kiểm sát thì họ vẫn chưa bị coi là có tội. Do đó Tòa án phải giải thích rõ trong bản án, vì sao Tòa án lại tuyên bị cáo có tội? Vì sao là tội này mà không phải là tội khác? Vì sao là 5 năm mà không phải 10 năm tù? Vì sao lại chấp nhận ý kiến của Viện Kiểm sát mà không chấp nhận ý kiến của luật sư…

Việc phán quyết của Tòa án liên quan đến sinh mệnh chính trị của con người, đến quyền sống, quyền chết, quyền tự do của con người, do đó việc Tòa án giải thích rõ ràng, thấu đáo trong bản án về việc áp dụng pháp luật gắn với những tình tiết, tình huống cụ thể của vụ án sẽ thuyết phục được xã hội cũng như tội phạm. Bên cạnh đó, việc luật hóa nội dung này cũng đồng thời nâng cao và ràng buộc trách nhiệm của mỗi thẩm phán khi thực hiện xét xử, là căn cứ để mỗi người dân, để xã hội giám sát hoạt động xét xử của Tòa án…

Về đổi mới ngạch Thẩm phán, đại biểu thể hiện quan điểm đồng tình với nội dung sửa đổi của dự thảo Luật được trình tại kỳ họp này theo hướng quy định từ 04 ngạch Thẩm phán (gồm: Tối cao; Cao cấp; Trung cấp và Sơ cấp) thành hai ngạch là Thẩm phán Tòa án tối cao và Thẩm phán là phù hợp. Bởi lẽ việc chia ngạch Thẩm phán như Luật hiện hành chưa thể hiện đúng bản chất của công việc xét xử và theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, giai đoạn xét xử sơ thẩm là giai đoạn rất vất vả, làm trọn vẹn để giải quyết được một vụ án.

Mặt khác, việc chia ngạch Thẩm phán như hiện hành ít nhiều cũng dẫn đến cách hiểu không đúng về năng lực, trình độ của Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, trong khi đó trên thực tế trừ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn có nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng đường lối xét xử đối với toàn ngành, còn các Thẩm phán khác đều phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo độc lập trong hoạt động xét xử và chỉ tuân theo pháp luật…

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, với 453 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ sáu sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật./.

Xem thêm