Thận trọng đánh giá tác động
Từ góc độ cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cân nhắc việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, vì đây là vấn đề liên quan tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không được sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định biện pháp này.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm (Ảnh minh họa: MD) |
Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc doanh nghiệp tuân thủ các chính sách, pháp luật nói chung và BHXH nói riêng là một trong những tiêu chí để đối tác, khách hàng lựa chọn hợp tác với doanh nghiệp. Đây cũng là đòi hỏi của các thị trường có yêu cầu cao về tuân thủ quy định về lao động như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Chính vì vậy, VCCI luôn khuyến nghị các doanh nghiệp thực hành, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nhấn mạnh việc chậm đóng, trốn đóng BHXH hoặc bị xử lý do vi phạm quy định của pháp luật về BHXH có thể ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của doanh nghiệp trong hợp tác sản xuất kinh doanh với các đối tác, khách hàng, đại diện VCCI cho rằng, các quy định về xử lý vi phạm liên quan đến BHXH là cần thiết để răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, theo VCCI, các chế tài trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần được xem xét một cách thấu đáo để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xây dựng các quy định mới cần được đánh giá tác động một cách thận trọng.
Riêng với việc áp dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn, đại diện VCCI cho rằng, quy định này có thể khiến cho doanh nghiệp ngừng hoạt động. Đây là biện pháp tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc làm và thu nhập của người lao động. Vì vậy, VCCI đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm về nội dung này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp không đồng thuận với chế tài ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh, bởi các chế tài này sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin; đồng thời cho biết, quan điểm của doanh nghiệp là nếu như có những vi phạm về mặt tài chính thì xử lý bằng những biện pháp kinh tế và tài chính là chính, chứ không nên xử lý theo những hình thức như ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh…
VCCI cũng cho rằng, việc liên thông dữ liệu thuế và BHXH rất cần thiết trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện nay, cơ quan Thuế và cơ quan BHXH đã có quy chế phối hợp liên thông dữ liệu để xác định thông tin của doanh nghiệp liên quan đến việc nộp thuế và đóng BHXH cho người lao động. Đây là biện pháp quan trọng để hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH.
Doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động cũng ảnh hưởng trực tiếp
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung (Đoàn Bình Phước) cho rằng, quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng… sẽ có mâu thuẫn khi đưa vào thực hiện. Bởi vì, trường hợp doanh nghiệp nợ tiền BHXH do có điều kiện nhưng không đóng, có đủ điều kiện đóng mà chây ì hoặc trốn đóng thì chế tài như vậy là hợp lý. Nhưng trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa, sản phẩm không tiêu thụ được, lượng hàng tồn kho nhiều, không có dòng tiền thu vào khi thị trường đóng băng mà áp dụng biện pháp ngừng xuất hóa đơn thì doanh nghiệp không thể có thanh khoản để có tiền đóng số tiền nợ BHXH.
“Ở trường hợp này, nếu chế tài bằng hình thức ngừng cung cấp hóa đơn thì không phù hợp và không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà người lao động cũng ảnh hưởng trực tiếp” - đại biểu Huỳnh Thành Chung nhấn mạnh.
Trong vấn đề xử phạt, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị phải quy trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đặc biệt, theo đại biểu, có thể đưa ra các biện pháp chế tài khắt khe và nghiêm khắc nhưng phải hướng đến việc không đẩy khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời phải tạo áp lực trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp, người vận hành doanh nghiệp.
Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc Dự thảo Luật bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Quy định này không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động đang hoạt động tại các cơ quan này. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và cân nhắc về quy định này./.