Thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt ngày càng trở thành phương thức thanh toán được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Đây là xu thế tất yếu, nhưng trong quá trình giao dịch quá nhanh có thể xảy ra những việc nhầm lẫn như: Chuyển sai số tiền hoặc chuyển tiền cho số tài khoản lạ nào đó, nhiều trường hợp chuyển nhầm tài khoản nhưng người nhận không chịu trả lại, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
Ngày 4/4 vừa qua, Công an xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa hỗ trợ gia đình anh Đặng Chòi Phú, sinh năm 1993, trú tại thôn Đạ Nhinh 2, xã Đạ Tông chuyển trả lại 50 triệu đồng do người lạ chuyển vào tài khoản ngân hàng nhưng không ghi nội dung. Trước đó, ngày 1/4, vợ anh Phú là Giàng Thị Vàng phát hiện trong tài khoản ngân hàng của mình nhận được số tiền 50 triệu đồng từ một tài khoản ngân hàng lạ.
Do được tuyên truyền, vợ chồng anh Phú đã nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao, cho nên đã tìm đến Công an xã Đạ Tông trình báo sự việc nêu trên và nhờ xác minh, liên hệ chủ tài khoản chuyển tiền để trả lại. Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an xã Đạ Tông đã liên hệ ngân hàng nơi vợ anh Phú đăng ký tài khoản để hỗ trợ tra soát nội dung, chủ tài khoản chuyển tiền.
Sau khi phía ngân hàng xác định số tài khoản chuyển tiền đến tài khoản chị Vàng được mở tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phòng giao dịch Nhị Xuân, trực thuộc chi nhánh Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh; vợ chồng anh Phú, chị Vàng đã bàn giao số tiền 50 triệu đồng nêu trên cho Công an xã Đạ Tông để được cơ quan chức năng hỗ trợ trả lại tài khoản của người gửi.
Chuyển khoản nhầm và được trả lại là chuyện không hiếm trong giao dịch trực tuyến hiện nay, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng tự giác trả lại tiền chuyển nhầm như vợ chồng anh Phú. Trước đó, ngày 2/3, theo thông tin từ Công an quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà đã khởi tố bị can đối với đối tượng Lê Anh Duy, sinh năm 1994, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, về hành vi “Chiếm giữ tài sản trái phép”.
Trước đó, chị N.T.T.H. (sinh năm 1976, trú tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhờ Duy xem bói trên mạng với giá 300 nghìn đồng. Sau khi thỏa thuận xong, chị H. thay vì chuyển số tiền 300 nghìn đồng đã chuyển nhầm thành 300 triệu đồng. Mặc dù chị H. đã nhiều lần liên lạc với Duy đề nghị trả lại tiền, nhưng Duy không trả, mà chiếm đoạt luôn số tiền nêu trên. Ngay sau khi nhận tin báo của bị hại, Công an quận Sơn Trà đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc và ra quyết định khởi tố Lê Anh Duy để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ngày 28/2, Nguyễn Tâm Duy, 41 tuổi bị Công an quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tạm giam về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản. Trước đó, Duy đến chi nhánh ngân hàng trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, nộp 1,5 triệu đồng vào tài khoản cá nhân. Do sơ suất, nhân viên ngân hàng chuyển nhầm 1,5 tỷ đồng vào tài khoản của Duy. Mặc dù khi kiểm tra, thấy số dư có thêm 1,5 tỷ đồng, biết là ngân hàng nhầm lẫn, nhưng do nổi lòng tham, người này chuyển khoản cho bạn 50 triệu đồng, nhờ rút tiền mặt đưa lại cho mình để chi tiêu.
Sau khi phát hiện chuyển nhầm tiền, ngân hàng đã làm các thủ tục hủy bỏ giao dịch, song chỉ thu hồi được 1 tỷ 450 triệu đồng. Khi được ngân hàng mời lên trụ sở làm việc, giải thích việc nhầm lẫn và đề nghị trả lại 50 triệu đồng, Duy vẫn không đồng ý, bỏ về. Do không thể thu hồi số tiền, ngân hàng đã trình báo công an.
Một vụ khác xảy ra cuối năm 2023, Công an thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, sinh năm 2002, thường trú ấp Bình Thạnh 1, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản người khác. Trước đó, vào tháng 10/2023, chị Nguyễn Thị Hồng N., sinh năm 1984, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, được một người quen nhờ chuyển khoản 200 nghìn đồng cho Hiếu. Khi thao tác chuyển khoản, chị N. đã gửi nhầm thành 200 triệu đồng.
Khi liên lạc để lấy lại tiền thì Hiếu không bắt máy. Sau đó, chị N. đến Ngân hàng Vietinbank chi nhánh khu Công nghiệp Trảng Bàng đề nghị hỗ trợ thông báo với Hiếu về sự việc nêu trên nhưng cũng không liên lạc được. Bất lực trước sự bất hợp tác của Hiếu, chị N. đã làm đơn gửi đến Công an thị xã Trảng Bàng yêu cầu hỗ trợ xác minh, thu hồi số tiền và xử lý đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Hiếu theo quy định.
Quá trình làm việc tại cơ quan chức năng, Hiếu thừa nhận có nhận số tiền chị N. chuyển nhầm, cho nên đã trả 30 triệu đồng cho chị N. Với số còn lại, Hiếu cố tình không trả; do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Trảng Bàng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Hiếu do đã thực hiện hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của người khác.
Theo Bộ Công an, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp người được chuyển nhầm đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả, phía ngân hàng sẽ phải liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thu hồi.
Người chuyển nhầm tiền cũng có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của người được chuyển nhầm để khởi kiện, hoặc làm đơn tố giác gửi cơ quan công an. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; tại điểm b, khoản 4, Điều 15 cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi nêu trên.
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.
Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10-200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.
Trước những vụ việc đáng tiếc nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi chuyển nhầm tiền đến tài khoản của người khác, hoặc nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình mà không xác định được người gửi nên chủ động báo ngay với ngân hàng về số tiền được chuyển nhầm để xác minh, hoặc trình báo ngay với cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể về biện pháp giải quyết.
Hành vi cố ý không hoàn trả lại số tiền cho người chuyển nhầm có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản; đồng thời, cũng không nên tự ý chuyển trả lại tiền khi không có bên thứ ba chứng kiến, để tránh các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.