Cẩn trọng trước các "lò" luyện thi đánh giá năng lực trên mạng xã hội

BBK- Lợi dụng sự lo lắng của thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2025 theo chương trình mới, nhiều khóa ôn luyện được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội...

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO DƯỚI HÌNH THỨC TỔ CHỨC TOUR DU LỊCH

Ngày 23/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thanh Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hương Dịu (sinh năm 1993, trú tại tổ 3, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 - Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, đối tượng Nguyễn Thị Hương Dịu đã nhận tiền và hồ sơ của Vũ Thanh Hải Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế HPT và của Lê Anh Hóa Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hana Global để làm thủ tục xin visa và tổ chức Tour du lịch 5 ngày 4 đêm tại Hàn Quốc, thời gian ngày 28/10/2023 đến ngày 3/11/2023. Sau khi Dịu nhận tiền đã không thực hiện theo thỏa thuận mà chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thường là giả mạo các công ty du lịch uy tín hoặc tạo lập những công ty không có thật. Các công ty lừa đảo thường không cung cấp địa chỉ, số điện thoại, hoặc thông tin về giấy phép kinh doanh.

Đối tượng đăng tải hàng loạt các quảng cáo tour qua các trang mạng xã hội, tin nhắn, hoặc qua các cuộc gọi không rõ nguồn gốc; chào bán các tour du lịch với mức giá cực kỳ thấp so với thị trường và yêu cầu thanh toán trước toàn bộ hoặc một khoản tiền lớn mà không có hợp đồng rõ ràng hoặc không có thông tin đầy đủ về công ty tổ chức tour.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng trước các tour du lịch giá rẻ bất ngờ trên mạng xã hội, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Người dân nên thực hiện kiểm tra giấy phép kinh doanh, đảm bảo công ty du lịch có giấy phép hoạt động hợp pháp và được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Xem xét các đánh giá từ khách hàng trước đó và tìm hiểu kỹ về lịch sử hoạt động của công ty.

Chỉ thanh toán qua các phương thức an toàn và không bao giờ gửi tiền qua các kênh không rõ ràng. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc.

Không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội. Không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay thông tin thẻ tín dụng qua các phương tiện không bảo mật hoặc với người lạ.

Nếu phát hiện có hành vi mạo danh hoặc lừa đảo, hãy báo cáo cho nhà trường, các nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi này và giải quyết kịp thời.

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO QUA MESSENGER BẰNG CÔNG NGHỆ CAO GHÉP MẶT AI

Thời gian gần đây, các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao như AI đang ngày càng phổ biến và tinh vi. Người dân cần cảnh giác, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Mới đây, vào sáng 23/12, chị N.T.H (sinh năm 1979; ở phố Thép Mới, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) có nhận được điện thoại qua video qua Messenger của con trai đang học Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chuyển hơn 100 triệu đồng để đóng phí đăng ký du học. Vốn là cán bộ ngân hàng đã được tập huấn, chị H đã không làm theo lời đối tượng.

Đối với thủ đoạn trên, ban đầu, các đối tượng thu thập hình ảnh và video, tìm kiếm hình ảnh, video từ tài khoản mạng xã hội hoặc các nguồn khác của nạn nhân. Sau đó, tạo video giả mạo bằng cách sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt và giọng nói, tạo các cuộc gọi video giả mạo người thân/bạn bè.

Tiếp theo là thủ đoạn lừa chuyển tiền. Trong cuộc gọi, đối tượng đưa ra lý do cấp bách như tai nạn, nợ tiền, hoặc cần hỗ trợ tài chính, yêu cầu chuyển tiền ngay vào tài khoản do chúng cung cấp.

Vào dịp cuối năm, thủ đoạn lừa đảo như trên sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân khi nhận được điện thoại trước tiên phải xác minh thông tin, gọi lại trực tiếp cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin.

Không vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu trong cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội. Cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm.

Điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế người lạ truy cập tài khoản của bạn. Cảnh giác với các tài khoản lạ hoặc dấu hiệu bất thường.

Nếu tài khoản của người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu bị hack, thông báo ngay cho họ và tránh tương tác. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

CẨN TRỌNG TRƯỚC CÁC "LÒ" LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Lợi dụng sự lo lắng của thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2025 theo chương trình mới, nhiều khóa ôn luyện được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội...

Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo lập các hội nhóm liên quan đến các khóa học “luyện thi đánh giá năng lực”. Trên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook về kỳ thi đánh giá năng lực, cứ vài tiếng lại có một bài viết ẩn danh hỏi địa chỉ luyện thi.

Dưới bài đăng, hàng loạt bình luận giới thiệu là nhân sự hoặc từng học ở những trung tâm và đạt kết quả tốt. Thí sinh chỉ cần phản hồi bình luận liền có người chủ động liên hệ giới thiệu các khóa học.

Đa phần các nhóm, “trung tâm” ôn thi đánh giá năng lực trên nền tảng mạng xã hội được tổ chức theo hình thức học online, có các buổi thi thử.

Cụ thể, sau khi để lại thông tin liên hệ trên Facebook của một trung tâm, không lâu sau nhân viên gọi điện và tư vấn nhiệt tình. Theo nhân viên này, khóa luyện thi bao gồm 3 giai đoạn: Nền tảng, tổng ôn và luyện đề. Phần nền tảng là dạy kiến thức cơ bản lớp 12 có trong đề thi. Phần tổng ôn là hệ thống kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Hai phần này do thí sinh chủ động học qua video.

Cuối tháng 12, trung tâm bắt đầu phần luyện đề qua hình thức trực tuyến (live stream). Thí sinh sẽ tương tác trực tuyến với giáo viên trong vòng 30 buổi, mỗi buổi kéo dài 90-120 phút.

Sau khi đăng ký xong, người học được hướng dẫn học lại từ đầu. Học phí là 850 nghìn đồng giảm xuống còn 779 nghìn đồng nếu đăng ký trước 26/12. Mỗi tuần học khoảng 3-4 tiếng, kết thúc khi thi xong đánh giá năng lực đợt 1.

Đối tượng sẽ gửi số tài khoản cá nhân đăng ký ở một phòng giao dịch tại tỉnh Bình Thuận. Người này cam kết không có chuyện lừa đảo và thông tin thêm “nhóm dạy online, không có văn phòng”.

Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đặc biệt là học sinh và phụ huynh, khi có nhu cầu tìm kiếm các trung tâm luyện thi cần hết sức cẩn trọng.

Người dân nên lựa chọn và tham gia các khóa học từ các trường đại học, các trung tâm luyện thi có uy tín, hoặc thông qua các nền tảng học trực tuyến đã được kiểm chứng. Thực hiện kiểm tra thông tin trung tâm luyện thi, giảng viên, và phương pháp giảng dạy.

Phụ huynh, học sinh có thể hỏi ý kiến từ những người đã từng học trước đó hoặc tìm các đánh giá từ nguồn uy tín. Tuyệt đối không tin vào những lời hứa “đảm bảo đỗ”, những cam kết như vậy thường không thể thực hiện được và thường là dấu hiệu của lừa đảo.

Trung tâm phải có giấy phép hoạt động hợp pháp và đã được kiểm định chất lượng. Nếu mức phí không hợp lý, hoặc có các khoản phụ phí không rõ ràng, cần phải xem xét lại.

Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

CẢNH GIÁC VỚI HÌNH THỨC LỪA ĐẢO THÔNG QUA ỨNG DỤNG GOOGLE CALENDAR

Theo Check Point (Công ty bảo mật công nghệ thông tin tại Israel) cho biết, tuần vừa qua trên không gian mạng đã xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới, lợi dụng tính năng nhắc lịch hẹn của ứng dụng quản lý thời gian Google Calendar để dụ dỗ nạn nhân truy cập vào đường link giả mạo chứa mã độc.

Các đối tượng sử dụng Google Calendar, để tên là người quen của nạn nhân và lên lịch hẹn về một cuộc họp trực tuyến. Sau đó, chúng gửi lời mời cho nạn nhân thông qua email, đính kèm đường dẫn đến các trang tài liệu và thông tin về nội dung của buổi họp.

Khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web Google Drawings hoặc Google Form có chứa Captcha (Công cụ kiểm thử).

Sau khi hoàn tất các bước xác minh danh tính, trang web có chứa mã độc sẽ xuất hiện, làm tê liệt thiết bị và đánh cắp dữ liệu của nạn nhân. Những email này dễ dàng vượt qua được sự kiểm duyệt và giám sát của Google bởi chúng hoàn toàn chính thống và hợp lệ, điều này sẽ khiến cho nhiều người dùng mất cảnh giác, nhất là khi email đến từ những người có tên trong danh sách bạn bè của họ.

Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước những tin nhắn email với nội dung tương tự như trên.

Cẩn trọng xác minh nội dung tin nhắn với bạn bè, người thân thông qua các phương thức hợp lệ và bảo mật. Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ khi chưa xác minh được danh tính của người gửi.

Người dân cũng được khuyến cáo hạn chế chia sẻ các thông tin riêng tư trên các nền tảng mạng xã hội, sử dụng mật khẩu mạnh và yếu tố xác thực nhiều lớp cho các tài khoản trực tuyến.

Khi phát hiện thấy những email có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

XUẤT HIỆN THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO MỚI NHẮM VÀO CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN NỀN TẢNG FACEBOOK

Mới đây, Kaspersky – công ty hàng đầu về bảo mật mạng – đã phát hiện một phương thức lừa đảo mới nhắm đến các tài khoản doanh nghiệp trên nền tảng Facebook.

Chiêu trò này lợi dụng tâm lý lo sợ của người dùng khi nhận được thông báo giả mạo từ Meta for Business, cáo buộc rằng tài khoản của họ có dấu hiệu vi phạm các chính sách và quy định mà Meta đề ra.

Các đối tượng lừa đảo gửi email giả danh Meta for Business, cáo buộc tài khoản của doanh nghiệp đã đăng tải bài viết có nội dung không phù hợp, đính kèm đường dẫn tới tài khoản Messenger giả mạo.

Nội dung email mang tính đe dọa, yêu cầu nạn nhân nhanh chóng truy cập đường dẫn để phản hồi và xác minh thông tin, nếu không tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn.

Sau khi truy cập đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới nền tảng Messenger.

Tại đây, các đối tượng sẽ yêu cầu thông tin đăng nhập cùng các dữ liệu nhạy cảm khác, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản doanh nghiệp.

Việc tiếp cận thông qua nền tảng chính thức như Messenger làm gia tăng tính thuyết phục cho thủ đoạn lừa đảo, khiến cho nạn nhân dễ dàng tin tưởng và làm theo lời của các đối tượng.

Trước diễn biến khó lường của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung tương tự.

Cẩn trọng xác minh nội dung tin nhắn, địa chỉ email thông qua cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin đăng nhập, mã xác thực hay bất kỳ thông tin cá nhân nào qua email hoặc tin nhắn Messenger.

Các doanh nghiệp cũng nên sử dụng phần mềm bảo mật đáng tin cậy, áp dụng phương thức bảo mật nhiều lớp trên các thiết bị làm việc và tài khoản trực tuyến để phòng ngừa và phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn.

Khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo./.

Xem thêm