Cảnh giác với 24 thủ đoạn lừa đảo qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Lừa đảo qua mạng ngày càng nở rộ với nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi. Để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người dân cần hết sức cảnh giác và nâng cao hiểu biết.
Tuyên truyền về an toàn trên không gian mạng cho người dân.

Tuyên truyền về an toàn trên không gian mạng cho người dân.

Thực tế tại Bắc Kạn đã có không ít người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến với số tiền bị mất hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng. Đáng nói, nhiều hình thức lừa đảo đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên một số người vẫn "sập bẫy".

Tháng 4/2023, cơ quan chức năng nhận được trình báo của ông B.H.T trú tại phường Xuất Hoá (TP. Bắc Kạn) về việc bị lừa đảo với số tiền 350 triệu đồng. Theo ông T, ngày 12/4/2023, ông nhận được cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng là Công an và thông báo ông là nghi can có liên quan đến một đường dây rửa tiền. Đối tượng yêu cầu ông chuyển tiền qua tài khoản để tiến hành kiểm tra, nếu không liên quan sẽ chuyển trả lại và đề nghị tuyệt đối giữ bí mật thông tin.

Với tâm trạng lo lắng, ông nhanh chóng đến Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn để chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng cung cấp. Nhận được tiền, các đối tượng đã nhanh chóng chuyển đi nhiều ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt và cắt liên lạc. Lúc này, ông T mới nhận ra mình đã bị lừa.

Một trường hợp khác cũng bị các đối tượng lừa đảo “nhắm” đến là chị Đ.T.M ở phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn), tuy nhiên nhờ đề cao cảnh giác nên chị đã không “dính” bẫy. Chị M kể: “Tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo gia đình tôi nợ tiền điện với số tiền hơn 2 triệu đồng. Người gọi điện tự xưng là nhân viên Điện lực và đọc chính xác họ tên, địa chỉ, chứng minh thư của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng thấy lạ là tại sao nhân viên đó lại yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân. Do vậy, tôi nhanh chóng tắt máy và chặn cuộc gọi. Sau đó, bọn chúng liên tục dùng nhiều số điện thoại khác để gọi đến thúc giục, thậm chí dọa nạt... khiến tôi rất bực mình”.

Đặc điểm chung của các thủ đoạn nêu trên là đối tượng thường sử dụng số điện thoại lạ (trong nước, quốc tế, số ảo…) hoặc tài khoản mạng xã hội ảo, website giả mạo để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đánh cắp thông tin của bị hại. Việc đánh cắp thông tin cũng là bước khởi đầu cho mục tiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông): Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng…

Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến cũng sẽ tìm cách lợi dụng, tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là chiếm đoạt tài sản.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng lừa đảo trong thời đại số hóa gia tăng đến từ nhận thức của người dân. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, trong đó chỉ rõ 24 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, từ số điện thoại lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND/CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ, người dân bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp nghi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo tới cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý./.

Xem thêm