Cây ngô giúp người dân Thôm Mèo xóa đói, giảm nghèo

Những năm 2003 trở về trước, cuộc sống của người dân thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm) vô cùng khó khăn. Tỉ lệ hộ đói nghèo trong thôn trên 50%, mặc dù rất thuận lợi về giao thông trong việc trao đổi, buôn bán hàng hóa với bên ngoài, nhưng người dân chẳng biết trồng cây gì để thành hàng hoá.

Những năm 2003 trở về trước, cuộc sống của người dân thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm) vô cùng khó khăn. Tỉ lệ hộ đói nghèo trong thôn trên 50%, mặc dù rất thuận lợi về giao thông trong việc trao đổi, buôn bán hàng hóa với bên ngoài, nhưng người dân chẳng biết trồng cây gì để thành hàng hoá.

Nhận thấy thổ nhưỡng ở thôn Thôm Mèo rất thích hợp với cây ngô đồi,  hơn nữa, đầu ra cho loại cây lương thực này trên thị trường hiện nay rất ổn định. Chính quyền xã đã chỉ đạo cho bà con trong thôn từ chỗ trồng nhỏ lẻ theo những tập quán canh tác cũ của đồng bào, sang trồng tập trung quy hoạch theo vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, cử cán bộ nông nghiệp của xã thường xuyên hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ của khoa học trong trồng trọt cho người dân. Và ngay từ những vụ ngô đầu tiên đã cho kết quả hết sức khả quan

 

Ông Hoàng Văn Thân, trưởng thôn Thôm Mèo cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, để từng bước thay đổi những tập quán lao động, sản xuất thiếu kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng như hiện nay của đồng bào cũng không đơn giản chút nào. Chính vì vậy, cách làm hiệu quả nhất là những đảng viên, người có uy tín trong thôn phải gương mẫu đi đầu thực hiện trước. Có như vậy các hộ khác trong thôn mới thấy và thực hiện theo.

 

Những diện tích ngô đồi rộng hàng chục héc ta của người dân thôn Thôm Mèo đang đến kỳ thu hoạch
Những diện tích ngô đồi rộng hàng chục héc ta của người dân thôn Thôm Mèo đang đến kỳ thu hoạch

Để gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở thôn, ông Thân đã sử dụng toàn bộ hơn 5 ha diện tích đất đồi của gia đình để trồng ngô, đồng thời từ chỗ trồng một vụ đã mạnh dạn ông  chuyển sang trồng hai vụ trong một năm. Và chỉ ngay trong năm đầu thực hiện, trừ mọi chi phí đầu tư phân bón gia đình ông Thân cũng thu về vài chục triệu đồng từ trồng ngô.

 

Thấy một số hộ trong thôn trồng cây ngô đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những xóa được đói, giảm được nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu từ trồng ngô, nên nhiều hộ trong thôn cũng đã chuyển đổi cây trồng sang trồng ngô cho thu nhập cao hơn. Thật đáng mừng khi nghe trưởng thôn Hoàng Văn Thân, thông báo về tỉ lệ hộ đói nghèo giảm qua từng năm, trung bình mỗi năm trong thôn lại giảm được từ 7-8% số hộ nghèo, không có hộ tái nghèo. Sau sáu năm chuyển đổi cây trồng, đến nay thôn chỉ còn 24/104 hộ nghèo là do thiếu đất sản xuất.

 

Anh Hoàng Văn Hùng, là chủ hộ vừa được địa phương “xóa” tên khỏi danh sách các hộ nghèo của thôn trong năm 2008, đã vui mừng tâm sự: Trước đây cuộc sống của gia đình tôi vất vả lắm, làm ruộng và trồng thêm ngô nếp mà quanh năm vẫn phải nhận gạo trợ cấp của chính quyền địa phương lúc giáp hạt, cái nghèo, cái đói cứ bám lấy cuộc sống của gia đình. Nhưng từ khi được nghe phổ biến về trồng ngô đồi với kỹ thuật mới cho thu nhập ổn định, gia đình tôi đã tận dụng hết diện tích đất đồi gần 2 ha để trồng và kết quả là từng bước một gia đình tôi đã xóa được nghèo. Sau vài năm tích góp từ thu nhập từ bán ngô, gia đình cũng đã cất được ngôi nhà mới, mua sắm được các vật dụng dắt tiền như: máy cày, xe máy, ti vi...

 

Niềm vui được mùa của người dân thôn Thôm Mèo - Xuân La(Pác Nặm) bởi những gùi ngô trĩu nặng được mùa
Niềm vui được mùa của người dân thôn Thôm Mèo - Xuân La(Pác Nặm) bởi những gùi ngô trĩu nặng được mùa

Không chỉ có ông Thân, anh Hùng mà ở thôn Thôm Mèo còn có rất nhiều các hộ khác như ông Cà Văn Dảo, Quan Văn Kinh, Cà Văn Cường, Cà Văn Thẻ... là những hộ gia đình hàng năm thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu mỗi năm từ trồng ngô.

 

Cây ngô đồi ở xã Xuân La nói chung và thôn Thôm Mèo nói riêng, giờ  đã và đang trở thành một trong những cây lương thực mũi nhọn quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như ổn định an ninh lương thực của xã. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo cho bà con tập trung gieo trồng hết những diện tích sẵn có, vận động đồng bào sử dụng các giống ngô lai cho năng suất cao như: CP 888, Bioseed 9698, DK 145...v.v. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản sau thu hoạch cho đồng bào. Qua đó, từng bước góp phần chung vào việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.

 

Quý Đôn

Xem thêm