Chợ Mới nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng

Chợ Mới là địa phương thực hiện tốt công tác trồng rừng với diện tích trồng rừng hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Để phát triển rừng bền vững, huyện đã và đang triển khai một số chương trình, dự án nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng gắn với công nghiệp chế biến, giúp người dân tăng thu nhập và làm giàu.

Chợ Mới là địa phương thực hiện tốt công tác trồng rừng với diện tích trồng rừng hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Để phát triển rừng bền vững, huyện đã và đang triển khai một số chương trình, dự án nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng gắn với công nghiệp chế biến, giúp người dân tăng thu nhập và làm giàu.

Nhân dân xã Cao Kỳ thực hiện đánh dấu cây diện tích rừng keo thuộc Dự án trồng cây gỗ lớn.
Nhân dân xã Cao Kỳ đánh dấu cây trên diện tích rừng keo thuộc Dự án trồng cây gỗ lớn.

Trồng rừng hằng năm đạt và vượt kế hoạch

Với gần 85% diện tích tự nhiên là rừng, Chợ Mới có lợi thế để phát triển trồng cây lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy những năm qua, công tác trồng rừng luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao từ thời vụ đến các khâu thiết kế diện tích, xử lý thực bì, cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, kịp thời.

Nhờ nhận rõ lợi ích kinh tế từ trồng rừng mang lại nên phong trào trồng rừng phát triển mạnh trong những năm gần đây, ngoài những diện tích đăng ký trồng theo kế hoạch, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện còn chủ động bỏ vốn mua cây giống về trồng nhằm mở rộng thêm diện tích. Do được đầu tư chăm sóc, trồng rừng theo đúng kỹ thuật nên tỷ lệ cây sống đạt cao, diện tích đất trống đồi trọc đã được phủ xanh bởi rừng keo, mỡ.

Hằng năm diện tích trồng rừng của huyện đều đạt và vượt kế hoạch giao, độ che phủ rừng ngày càng nâng cao. Năm 2017, toàn huyện trồng được 1.658,51ha gồm rừng tập trung và phân tán, đạt 110,5% kế hoạch, với cơ cấu gồm cây keo, mỡ, quế, hồi, lát... Năm 2018 trồng được 1.599,86/1.550ha, đạt 103,21% kế hoạch. Năm 2019 trồng rừng đạt 1.567,41/1.450ha đạt 108,1% kế hoạch giao. Năm 2020, đến thời điểm này toàn huyện trồng được hơn 90% diện tích kế hoạch, Nhân dân các xã vẫn đang tiếp tục trồng cây rừng phân tán, đảm bảo diện tích kế hoạch đề ra.

Giai đoạn 2015-2020, bình quân hằng năm toàn huyện trồng được 1.832,7ha vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V. Sản phẩm gỗ rừng trồng hiện là nguồn thu nhập chủ yếu của gần 70% người dân địa phương và là sản phẩm chủ lực của huyện. Vì vậy, Chợ Mới đã và đang triển khai thực hiện các dự án để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nhằm phát triển rừng bền vững.

Nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng

Theo thống kê, hiện nay toàn huyện trồng được 14.580ha rừng sản xuất, chiếm 34% tổng diện tích đất rừng sản xuất đã được quy hoạch. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển rừng trồng ở Chợ Mới là rất lớn, tuy nhiên chất lượng gỗ rừng trồng những năm qua còn thấp, năng suất chưa cao. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, huyện Chợ Mới đã và đang thực hiện các biện pháp trồng rừng thâm canh và chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ truyền thống sang trồng cây gỗ lớn. Với điều kiện thuận lợi về giao thông, huyện Chợ Mới đã tiếp nhận và triển khai 02 dự án lớn, đó là Dự án Kfw8 được triển hai trên địa bàn 5 xã với diện tích 638ha; Dự án cấp chứng chỉ rừng FSC được triển khai trên địa bàn 3 xã, với diện tích 921,41ha.

Trong đó, Dự án Kfw8 được Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ nhằm tăng cường tính đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương. Mục tiêu của dự án là tiến hành lựa chọn quản lý rừng keo có nguồn gốc từ hạt, được trồng từ năm 2012 đến 2015 để thực hiện tỉa thưa theo đúng quy trình từ năm thứ nhất đến năm thứ hai, nhằm kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, tạo ra rừng cây gỗ lớn có tuổi khai thác trên 12 năm, giá trị kinh tế cao hơn so với trồng rừng truyền thống trước đây.

Dự án tập trung vào việc quy hoạch vùng, đánh dấu cây, tiến hành tỉa thưa, hỗ trợ chăm sóc, tập huấn kỹ thuật, khai thác rừng. Người dân trong vùng thụ hưởng được tập huấn kỹ thuật, học tập mô hình trồng cây gỗ lớn ở một số tỉnh lân cận, hỗ trợ kinh phí mua vật tư đánh dấu cây. Đến thời điểm này, Nhân dân các xã trong vùng dự án đã thực hiện đánh dấu cây được 489,25ha; tiến hành tỉa thưa hơn 100ha và trồng cây bản địa dưới tán được hơn 11ha. Toàn huyện có hơn 900ha rừng đủ tiêu chuẩn đã được cấp Chứng chỉ rừng FSC.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Mục tiêu của huyện Chợ Mới là hướng đến trồng rừng gắn với chế biến sâu và xuất khẩu gỗ. Vì vậy việc triển khai Dự án trồng rừng gỗ lớn Kfw8 và cấp chứng chỉ rừng FSC là cơ hội lớn để người dân trên địa bàn huyện nâng cao trình độ canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao được chất lượng, giá trị kinh tế từ rừng, đáp ứng nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn cho các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại địa phương nói riêng và trong nước nói chung./.

Hà Thanh

Xem thêm