Hát giao duyên bên dòng sông Bắc Sen. |
"Tìm về duyên xưa"
Chợ tình năm nay thời tiết khéo chiều lòng người, dù là giữa tháng 5 nhưng cái lạnh vẫn phảng phất nương đồi. Trước ngày khai Hội, dòng người đã tấp nập khắp nơi tìm về, trong đó có cả những vị khách quen như ông Hoàng Xuân Thu, quê Lạng Sơn. 24/3 âm lịch mới chính thức khai Hội, nhưng trước đó 2 ngày, ông Thu và những người bạn từ Lạng Sơn đã về Xuân Dương. Dù gần 60 tuổi nhưng mỗi lần đến chợ tình, ông Thu vẫn bồi hồi, xúc động. Gặp lại bà Tắm (người xã Xuân Dương) hai người liền đối đáp duyên giao bằng câu Sli sâu lắng, thiết tha. Qua từng ca từ nỗi niềm mong nhớ, trân trọng nhau của những người xưa gặp lại vang vọng cả một khúc sông.
Trích một đoạn hoạt cảnh về nguồn gốc "Chợ tình Xuân Dương". |
Ông Thu nhớ lại:"Hơn 30 năm trước, trong một buổi hát giao duyên, tôi và bà Tắm gặp gỡ rồi đem lòng yêu thương. Nhưng hai người "có duyên không nợ" nên không trở thành vợ chồng. Mỗi người có cuộc sống riêng nhưng luôn trân trọng nhau như những người bạn tốt. Lần nào về chơi chợ tình, tôi cũng ghé qua nhà bà Tắm chơi, uống rượu, trò chuyện cùng chồng bà ấy".
Sau hơn 20 năm anh Nông Văn Quang, quê Hòa Bình mới có dịp quay lại “Chợ tình Xuân Dương”. Trong dòng người, anh Quang vẫn nhận ra chị L, người phụ nữ anh nặng lòng thương nhớ trong lần gặp nhau tại chợ tình lúc thanh xuân. Qua lời tâm sự, anh Quang biết cuộc sống của chị L gặp nhiều trắc trở, lòng đầy thương cảm, xót xa:
"Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón.
Kẻo tôi nhìn thấy giọt nước mắt em rơi".
Trong hàng trăm chuyện tình của những cặp đôi yêu nhau nhưng không đến được với nhau, có chuyện tình đẹp mà dang dở, có cuộc tình chia ly đau thương nhưng cũng có câu chuyện khiến người khác ngưỡng mộ, trân trọng. Vào đêm trước của chợ tình, vợ của nghệ nhân Nông Văn Hồ, xã Xuân Dương nấu xôi, làm bánh để chồng mình đem đi tặng người yêu cũ. Thậm chí có năm bà còn mời những người yêu cũ của chồng về nhà ăn cơm, trò chuyện. Cũng vì việc làm này của bà mà nghệ nhân Nông Văn Hồ rất trân trọng vợ mình.
"Chợ tình Xuân Dương" nơi lưu giữ những giá trị nhân bản, nhân văn của người dân vùng cao. |
Những quy ước giúp chợ tình luôn giữ nét đẹp nhân văn
Trong suốt chiều dài của “Chợ tình Xuân Dương” đến nay, chưa bao giờ xảy ra vụ việc đánh ghen hay ồn ào chuyện đi quá giới hạn của những cặp đôi từng yêu nhau. Những quy ước và cũng là "luật bất thành văn" của những người đã có gia đình đi chợ tình là chỉ đến gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ buồn vui, ôn lại kỷ niệm cũ, tuyệt đối không được đi quá giới hạn.
Bà Mông Thị Tắm chia sẻ cảm xúc đi chợ tình. |
Nghệ nhân Nông Văn Hồ cho rằng, huyền tích về "Chợ tình Xuân Dương" là câu chuyện buồn về tình duyên vợ chồng nhưng cũng chứa đựng những yếu tố đầy tính nhân văn, nhân bản, và các thế hệ sau luôn gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của đời xưa để lại.
"Chợ tình Xuân Dương" thu hút đông người dân và du khách. |
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Dương, ông Lô Minh Chuyên cho biết: “Chợ tình Xuân Dương” luôn có sức hấp là bởi người dân và du khách gần xa được đắm mình trong sắc màu văn hóa vùng cao với điểm nhấn là những câu chuyện tình được kể bằng điệu Sli mượt mà. Không chỉ là nơi ươm gieo những mối tình đẹp giữa nam thanh nữ tú mà còn là nơi “người cũ tìm về duyên xưa”. Người cũ gặp lại chỉ coi nhau là bạn để chia sẻ, trò chuyện chứ không đi quá giới hạn để gìn giữ nét đẹp của chợ tình và cũng là giữ hạnh phúc cho gia đình của mỗi người. Chợ tình kết thúc, mọi người quay lại nhịp sống thường nhật, mang theo những kỷ niệm đẹp và hẹn gặp nhau vào buổi chợ năm sau.../.