Chợ Mới:

Chú trọng phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Theo dự báo của nhiều cơ quan chức năng, thời tiết đông - xuân năm nay ở các tỉnh miền Bắc nước ta ấm hơn so với các năm trước. Tuy nhiên công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vẫn được các ngành chuyên môn tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân tập trung thực hiện.

Theo dự báo của nhiều cơ quan chức năng, thời tiết đông - xuân năm nay ở các tỉnh miền Bắc nước ta ấm hơn so với các năm trước. Tuy nhiên công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vẫn được các ngành chuyên môn tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân tập trung thực hiện.

Hiện nay toàn huyện Chợ Mới có 10.886 con trâu, bò (trong đó trâu là 8.647 con, còn lại là bò), 25.750 con lợn, trên 600ha cây trồng vụ đông xuân. Rút kinh nghiệm từ các đợt rét đậm, rét hại xảy ra nhiều năm trước, năm nay toàn huyện phấn đấu không để xảy ra tình trạng cây trồng, vật nuôi bị chết rét. Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu mùa rét, Ban chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi các cấp đã được thành lập. Trong đó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện là cơ quan thường trực. Với chức năng nhiệm vụ của mình, hằng tuần, hằng tháng các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, thú y viên kết hợp cùng các thành viên trong ban chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ở từng thôn, bản tham gia công tác phòng chống rét, đồng thời hướng dẫn người dân các phương án phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi kịp thời. Đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện; tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, qua hệ thống phát thanh của địa phương để nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Riêng đối với cây trồng vụ đông xuân, phòng chuyên môn đã vận động, chỉ đạo nhân dân tích cực chăm sóc cây trồng bằng một số biện pháp kỹ thuật như: vun xới, tủ gốc, tạo mái che, phòng trừ sâu bệnh, dự trữ nguồn nước tưới tiêu...từ đó tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt, có khả năng chống chịu rét. Đối với cây ngô, phòng chuyên môn khuyến cáo bà con nên áp dụng biện pháp hun khói để xua sương vào ban đêm và sáng sớm. Hay như đối với cây khoai tây thì nên phủ ni lông vào ban đêm, tưới nước rửa sương vào sáng sớm và phun thuốc sun phát đồng để phòng bệnh mốc sương...Để chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân, phòng chuyên môn cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con cần thường xuyên tưới nước, bón tro rơm rạ giữ ấm, giữ ẩm cho mạ, không bón phân đạm trong những ngày rét. Đặc biệt, phải chú ý gieo mạ khi nhiệt độ dưới 15 độ C, nên áp dụng phương pháp gieo mạ nền, mạ ném và chuẩn bị đủ ni lông để che phủ cho mạ.

Do được tuyên truyền nên nhiều hộ dân đã có ý thức chăm sóc, phòng chống rét cho trâu, bò trong mùa đông.
Do được tuyên truyền nên nhiều hộ dân đã có ý thức chăm sóc, phòng chống rét cho trâu, bò trong mùa đông.

Đối với đàn gia súc, ban chỉ đạo các cấp đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm phòng triệt để cho đàn gia súc để hạn chế bệnh dịch, khắc phục tình trạng trâu, bò gầy yếu, thiếu đề kháng trong mùa đông. Đồng thời vận động nhân dân tu sửa chuồng, trại chống rét cho đàn gia súc, hạn chế chăn thả quá sớm, không thả rông khi nhiệt độ thấp hơn 15 độ C. Trong đó tập trung vận động nhân dân thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc từ chăn thả tự do sang chăn nuôi có kiểm soát và tiến đến chăn nuôi thâm canh. Ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng khó khăn, khí hậu lạnh, các cán bộ chuyên môn đã trực tiếp xuống thôn, bản hướng dẫn bà con cách che chắn chuồng trại, sưởi ấm vật nuôi và cách chế biến, tận dụng rơm rạ, cỏ khô dự trữ làm thức ăn chăn nuôi. Trong những ngày rét đậm, phòng chuyên môn khuyến cáo bà con cần tăng cường thức ăn giàu đạm (cám ngô, cám gạo) để vật nuôi có khả năng chống chịu rét và dịch bệnh. Ngoài ra, đối với đàn gia cầm và chăn nuôi thủy sản, phòng chuyên môn cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện đủ các bước, các phương án đã được tuyên truyền, tập huấn để phòng chống rét hiệu quả./.

PV

Xem thêm