Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn) là lực lượng đảm nhận vận hành, quản lý và hỗ trợ người dùng các phần mềm dùng chung của tỉnh. |
Nâng cao số lượng và trình độ của cán bộ
Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 40 công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm trong lĩnh vực CNTT thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. 108/108 UBND xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số.
Tại Trung tâm CNTT và Truyền thông tỉnh (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn) có 12 viên chức thực hiện vận hành, quản lý và hỗ trợ người dùng các phần mềm dùng chung của tỉnh. Toàn tỉnh có 32 công chức, viên chức CNTT phụ trách nhiệm vụ an toàn thông tin mạng tại các sở, ngành, UBND huyện thành phố, là thành viên của Đội Ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh.
Những con số trên cho thấy nguồn nhân lực nòng cốt để thực hiện chuyển đổi số của tỉnh còn khá khiêm tốn. Nhân lực CNTT ở các đơn vị, địa phương thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng dẫn đến khó đảm bảo được hoạt động thông suốt của các hệ thống CNTT của nhà nước. Trình độ ứng dụng CNTT, kỹ năng số của nhiều người còn hạn chế nên ngại thay đổi, ngại sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh và các ứng dụng...
Mặt khác, các quy định về chính sách thu hút, chế độ ưu đãi điều kiện làm việc đối với người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước còn chưa được cụ thể hóa.
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn kiến thức về chuyển đổi số theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, thu hút hàng nghìn cán bộ tham dự.
Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua Báo Bắc Kạn, Đài PT&TH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương. Cùng với đó, đến nay toàn tỉnh đã có 108/108 xã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.292 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia.
Tỉnh đang tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như tổ chức các hội nghị, hội thảo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp về chuyển đổi số; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về kỹ năng số; tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức của cán bộ, thay đổi thói quen, hành vi và tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số...
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Thực hiện mục tiêu hiện đại hoá hành chính, hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước hiện nay đã thực hiện thông qua môi trường số, như: Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông"; phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng; các trang, cổng thông tin điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến...
Với nhiều giải pháp và động thái tích cực của tỉnh, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên vẫn có một số cán bộ thấy chuyển đổi số khó khăn, phức tạp, khó thực hiện hơn cung cách làm việc truyền thống. Cách tư duy, nhận thức chưa đúng của cán bộ dẫn tới sao nhãng, lơ là, khiến hồ sơ, đầu việc không được xử lý kịp thời, ồn ứ trong hệ thống. Đây chính là nguyên nhân phổ biến gây mất điểm về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số chuyển đổi số.
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”, “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của việc thay đổi nhận thức của cán bộ trước khi bắt tay vào các công việc cụ thể của quá trình chuyển đổi số.
Việc phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cấp, ngành, địa phương hiểu đúng, nhận thức đúng về chuyển đổi số cần được đẩy mạnh hơn nữa. Như vậy mới giúp cán bộ có tâm thế đúng, hành động đúng, thúc đẩy chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị./.