Chuyển đổi số - chuyển động tích cực

0:00 / 0:00
0:00
BBK -  Với nhiều giải pháp quyết liệt, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã và đang đạt được những kết quả tích cực.
Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn khai trương “Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt”, tại các tuyến đường Thanh Niên và Đội Kỳ, TP. Bắc Kạn.

Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn khai trương “Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt”, tại các tuyến đường Thanh Niên và Đội Kỳ, TP. Bắc Kạn.

Khắc phục hạn chế, giao nhiệm vụ cụ thể

Năm 2022, tỉnh đã có những cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, triển khai, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, kết quả chuyển đổi số chưa đạt được như kỳ vọng. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh chỉ đạt 0,3941/1 giá trị điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 12 bậc so với năm 2021.

Ngay khi nhận được kết quả này, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh đã tổ chức họp để đánh giá, rà soát lại toàn bộ quá trình chỉ đạo, triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động chuyển đổi số năm 2022 của các đơn vị, địa phương. Qua đó chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục để góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số DTI của tỉnh năm 2023. Tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đã phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác chuyển đổi số, đồng thời yêu cầu “Mỗi tập thể, cá nhân phải nhìn rõ trách nhiệm của mình trong chuyển đổi số”…

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 563/KH-UBND ngày 20/8/2023 về nâng cao chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bắc Kạn năm 2023. Trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và giải pháp cần thực hiện. Đồng thời tháng 8/2023, UBND tỉnh duy trì việc định kỳ tổ chức các cuộc họp chuyên đề riêng về CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 để rà soát, đôn đốc, kịp thời đánh giá cũng như giải quyết các tồn tại, hạn chế cũng như vướng mắc mà các đơn vị, địa phương đang gặp phải để giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, trong năm 2023 vừa qua tỉnh đã thực hiện 42 nhiệm vụ/dự án chuyển đổi số, với tổng kinh phí trên 67,7 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo, đôn đốc sát sao của UBND tỉnh, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số năm 2023 theo quy định. Kết quả, trong năm 2023, có 21/42 nhiệm vụ hoàn thành 100% khối lượng công việc; 02/42 nhiệm vụ dừng thực hiện; 02/42 nhiệm vụ đề xuất chuyển sang thực hiện trong năm 2024; các nhiệm vụ còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện. Số kinh phí giải ngân tính đến hết ngày 31/12/2023 là trên 35,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 52,8% kinh phí cấp năm 2023).

Đồng bào dân tộc Dao thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán qua môi trường mạng.

Đồng bào dân tộc Dao thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán qua môi trường mạng.

Những chuyển động tích cực

Với nhiều nỗ lực và giải pháp quyết liệt, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã thu hút được sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, ngành và cán bộ, Nhân dân. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn theo hình thức trực tuyến tại 03 cấp (tỉnh/huyện/xã); tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” năm 2023, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.

Kết quả, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; tỷ lệ người dùng internet cáp quang đạt 80,07%, cao hơn so với mức bình quân của cả nước.

Các huyện, thành phố đã thành lập được 108 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia. 98% hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân; 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; phát sinh 27.176 giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số đạt 4,5%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 51%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%...

Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp bảo đảm để triển khai cài đặt các phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và của các sở, ngành. Trong năm 2023, đã có thêm 09 hệ thống thông tin của các sở ngành được cài đặt, vận hành tại Trung tâm, góp phần nâng tổng số hệ thống được cài đặt của tỉnh lên 26 hệ thống.

Hiện tỉnh đã xây dựng và đang khai thác sử dụng 12 CSDL, đồng thời đang triển khai xây dựng 08 CSDL của các ngành. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết TTHC, hỗ trợ nghiệp vụ... Phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 04 hệ thống, nâng tổng số hệ thống được phê duyệt cấp độ lên 24 hệ thống thông tin.

Thực hiện Đề án 06, toàn tỉnh đã tiếp nhận 280.110 thẻ CCCD, trả cho công dân sử dụng 279.917 thẻ; thu nhận 182.805 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt 162.842 tài khoản (gồm cả mức độ 1 và 2). Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt trên 75%...

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, muốn bứt phá đi lên thì chuyển đổi số chính là một trong những “chìa khóa” quan trọng. Với việc phân giao nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm ngành, lĩnh vực của từng cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh… công tác chuyển đổi số không còn là khái niệm mơ hồ, mà đã có định lượng cụ thể, mục tiêu rõ ràng, nhận được sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với cách tiếp cận đúng đắn và quyết liệt như thời gian qua, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng lĩnh vực chuyển đổi số của Bắc Kạn sẽ đạt được những kết quả mới trong năm 2024./.

Đăng Bách

Xem thêm