Chuyện "lập nghiệp" của những chàng trai trẻ ở Đồng Phúc

Lớn lên từ vùng quê nghèo nên họ luôn khát khao vượt lên và nhiều thanh niên trẻ xã Đồng Phúc (Ba Bể) đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, phát huy sức trẻ góp phần xây dựng quê hương.

Lớn lên từ vùng quê nghèo nên họ luôn khát khao vượt lên và nhiều thanh niên trẻ xã Đồng Phúc (Ba Bể) đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, phát huy sức trẻ góp phần xây dựng quê hương.

Mô hình chăn nuôi dê của đoàn viên Dương Văn Mão, thôn Nà Khâu đang trên đà phát triển.
Mô hình nuôi dê của đoàn viên Dương Văn Mão, thôn Nà Khâu

Những thanh niên quyết tâm thoát nghèo 

Sinh năm 1991, Hoàng Văn Sứ, thôn Bản Chán, xã Đồng Phúc học hết lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn anh nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ, đến năm 2009, theo bạn bè vào miền Nam làm công nhân may, sau 3 năm kiếm sống xa nhà, dành dụm được chút vốn nhỏ, năm 2012, được sự động viên của gia đình, chàng trai trẻ Hoàng Văn Sứ trở lại quê hương với ý chí quyết tâm “lập nghiệp” trên mảnh đất của gia đình. Vốn bản chất hiền lành, chăm chỉ, đầu năm 2013, từ số tiền 20 triệu đồng vay Ngân hàng chính sách xã hội và số tiền tích cóp được, bước đầu anh đầu tư mua 13 con lợn về nuôi. Bắt tay vào thực hiện, vừa làm vừa học hỏi, nên trong quá trình nuôi lứa đầu, những con lợn lớn khá nhanh và phát triển thuận lợi, sau hơn 4 tháng đã được xuất bán và thu về hơn 5 triệu đồng tiền lãi.

Sau đó anh mở rộng thêm chăn nuôi, mua gần 100 con gà giống về nuôi thả vườn, sau hơn 3 tháng chăn thả anh đã xuất bán và thu về hơn 3 triệu đồng tiền lãi riêng đàn gà. Nhận thấy chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế khá, anh tiếp tục đầu tư mua 150 con gà mía về nuôi, sau khoảng 3-4 tháng được xuất bán, với giá 70-80 nghìn đồng/kg. Tiếp đó, anh quay vòng vốn mua 200 con gà siêu trứng Ai cập về nuôi gối, đàn gà và đàn lợn của anh phát triến rất tốt...Chỉ sau hơn 1 năm, trừ các khoản chi phí anh đã thu được hơn 60 triệu đồng tiền lãi. Mặc dù kết quả mới chỉ là bước đầu, nhưng sự khởi đầu này là động lực thúc đẩy anh tiếp tục với khát vọng làm giàu của mình thành hiện thực.

Cùng sinh năm 1991, Hoàng Văn Nhẫn, thôn Bản Chán cũng đã sớm có những ý tưởng lập nghiệp cho mình. Sau hơn 1 năm vào miền Nam học nghề sửa chữa, trở về, cái vốn lớn nhất là đã nắm khá chắc cơ bản kỹ thuật về nghề sửa chữa. Nghĩ rằng, kiến thức học ra cần sớm được áp dụng vào thực tế, vì thế, Nhẫn quyết tâm bắt tay ngay vào việc, thuê đất mở hiệu sửa chữa ngay tại trung tâm xã. Ý tưởng đã có, trong tay không có vốn, gia đình khó khăn, nhưng không làm Nhẫn nản chí, anh đã bàn bạc với gia đình, bố mẹ về định hướng lập nghiệp của mình, hiểu được ước mơ từ lâu của con, bố mẹ và mọi người trong gia đình đã đồng ý đứng ra vay vốn cho Nhẫn đầu tư làm ăn. Năm 2013, vay ngân hàng 200 triệu đồng để Nhẫn mở hiệu sửa chữa xe máy, máy nổ, máy nông nghiệp và kết hợp bán hàng tạp hóa. Nhờ chăm chỉ, chịu khó mày mò, học hỏi nâng cao, đến nay, tay nghề của anh ngày càng vững vàng, tự tin sửa chữa được nhiều loại máy móc khác nhau, nhiều người tin tưởng, hàng sửa chữa tăng lên. Với sự cố gắng, chịu khó của mình, giờ đây hai vợ chồng trẻ đã có thể vững bước, tự lập cho cuộc sống của mình, kinh tế ngày càng ổn định đi lên.

Đoàn viên 9X Hoàng Văn Nhẫn sớm lập nghiệp với việc sửa chữa xe gắn máy và bán hàng tạp hóa
Đoàn viên trẻ Hoàng Văn Nhẫn sớm lập nghiệp với việc sửa chữa xe gắn máy và bán hàng tạp hóa


Kiên trì, dám nghĩ, dám làm là những gì mà các bậc cha, anh ở thôn Nà Khâu thường nói về Dương Văn Mão, sinh năm 1987. Anh là tấm gương điển hình cho thế hệ trẻ của xã Đồng Phúc, quyết tâm vươn lên thoát nghèo ở quê hương với mô hình chăn nuôi dê. Năm 2013, sau khi lập gia đình cuộc sống khó khăn, không có vốn, anh đã vay anh em họ hàng được 20 triệu đồng rồi mạnh dạn đầu tư mua 7 con dê giống về nuôi. Chưa có kinh nghiệm, cũng chưa được tham gia lớp tập huấn nào về kỹ thuật chăn nuôi nói chung, kỹ thuật chăn nuôi dê nói riêng, nên thời gian đầu cũng làm cho anh nhiều phen gần như điêu đứng.

Anh Mão cho biết: Mới đầu nuôi, một số con dê gặp phải những căn bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, trướng dạ cỏ…nhưng không biết phát hiện, bệnh gì và chữa thuốc gì…dẫn đến con thì chết, con thì gầy yếu. Tuy nhiên, không nản chí, anh nghĩ, đã quyết tâm thì phải phấn đấu chinh phục bằng được. Do đó, anh tích cực tham khảo qua nhiều kênh thông tin khác nhau: Hỏi những người đã từng nuôi dê, cán bộ thú y xã, qua sách, báo, ti vi, đặc biệt, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi dê trên mạng internet, học tập các mô hình, các trại nuôi dê trong, ngoài tỉnh. Dần dần, kỹ thuật chăn nuôi dê được anh đúc kết và có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc phát triển đàn dê của mình. Sau hơn 2 năm vừa nuôi vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tổng đàn dê của anh từ 7 con giống ban đầu đã phát triển lên trên 60 con (cả xuất bán), nâng giá trị tổng đàn từ 20 triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Đoàn viên Lường Văn Oai, thôn Cốc Coọng, với việc mở hiệu đóng đồ gia đình: Tủ kính, cửa sổ, chạn bát…
Đoàn viên Lường Văn Oai, thôn Cốc Coọng, với việc mở hiệu đóng đồ gia đình: Tủ kính, cửa sổ, chạn bát…không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả trong thôn

Anh Mão chia sẻ: Nuôi dê dễ hơn nuôi một số loài vật nuôi khác. Dê địa phương không kén ăn, hầu hết các loại lá cây dê đều ăn được nên rất dễ chăn thả. Một con dê cái khoảng 10-12 tháng tuổi là đến thời kỳ sinh sản. Giá một kg dê thịt hiện nay bán với giá 110 nghìn đồng; giá dê làm giống 130 nghìn đồng/kg; những con dê cái đã hết tuổi sinh sản vẫn có thể bán với giá 80 nghìn đồng/kg. Mức độ tiêu thụ trên thị trường lớn, chỉ cần gọi điện thông báo là có người đến tận nhà mua. Thậm chí, hằng ngày ở địa phương vẫn có các thương lái đến các thôn tìm mua…

Trên đây chỉ là 3 trong những “nhân tố” điển hình tiêu biểu trong việc thanh niên lập nghiệp ở Đồng Phúc. Còn nhiều thanh niên khác mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, ví dụ như: Đoàn viên Hoàng Văn Hữu, thôn Cốc Coọng; Triệu Văn Bền, thôn Tẩn Lượt thành lập tổ sản xuất gạch, có việc làm ổn định cho từ 5-8 thanh niên trong xã; đoàn viên Hoàng Văn Phương, Hoàng Văn Tốt, Hoàng Văn Lân…thôn Bản Chán, với mô hình nuôi dê từ 20 con trở lên, hiện đang rất có triển vọng...

Chia tay Đồng Phúc, nhìn những gương mặt trẻ thấm đẫm mồ hôi say mê với công việc, tôi chợt nghĩ đến thời điểm năm 2005 trở về trước, Đồng Phúc là một trong những địa bàn có số thanh niên nghiện hút ma túy cao của huyện Ba Bể. Giờ đây, với những con người, công việc thực tại, không còn sự hoài nghi, tuổi trẻ Đồng Phúc đã và đang lập nghiệp, làm cho cuộc sống của mình được nâng lên.../.

Tùng Vân



 

Xem thêm