Cô gái Sán Chỉ trong tranh của họa sĩ Mạnh Sáng

BBK - Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 28 năm 2023, Ban Tổ chức đã trao 06 giải thưởng chính thức, trong đó, tác phẩm “Cô gái Sán Chỉ” của họa sĩ Trương Mạnh Sáng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn đạt giải C.
Họa sĩ Mạnh Sáng bên cạnh tác phẩm đạt giải.

Họa sĩ Mạnh Sáng bên cạnh tác phẩm đạt giải.

Những năm gần đây, Mỹ thuật Bắc Kạn đã có những bước tiến mới với nhiều thành tích ấn tượng. Không chỉ được chọn trưng bày và giành nhiều giải thưởng khu vực, các họa sĩ còn xây dựng được màu sắc riêng về đề tài miền núi.

Qua các triển lãm như: Sắc Chàm (nhóm họa sĩ Bắc Kạn); triển lãm cá nhân của họa sĩ Giang Nam… nhiều bức tranh đặc sắc đã gây ấn tượng mạnh với người yêu tranh trong và ngoài tỉnh. Cùng với những bước tiến đó là sự bứt phá của các hội viên chuyên ngành Mỹ thuật, trong đó có họa sĩ Trương Mạnh Sáng.

Làm quen với Mỹ thuật từ sớm, năm 2014, họa sĩ Mạnh Sáng trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từ đây anh dần định hình phong cách và lựa chọn hướng đi riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Tranh của họa sĩ Mạnh Sáng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao. Nếu đã có dịp tiếp xúc với họa sĩ, không khó để nhận thấy sự tương đồng giữa con người anh với những bức tranh anh vẽ. Họa sĩ Mạnh Sáng hiền hòa, ít nói, tranh của anh cũng vậy, luôn luôn tĩnh lặng, yên ả và giản dị.

Tác phẩm “Cô gái Sán Chỉ” vừa được giải C tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 28 năm 2023 cũng là một bức tranh như thế.

Tác phẩm “Cô gái Sán Chỉ” của họa sĩ Trương Mạnh Sáng.

Tác phẩm “Cô gái Sán Chỉ” của họa sĩ Trương Mạnh Sáng.

“Cô gái Sán Chỉ” tiếp tục là bức tranh được họa sĩ Mạnh Sáng sử dụng nền màu tối để làm nổi bật lên những chi tiết đặc sắc, gây ấn tượng mạnh cho người xem. Bức tranh vẽ khung cảnh đời thường của một ngôi nhà người dân tộc Sán Chỉ. Phía trước nhà là những vật dụng quen thuộc của đồng bào miền núi như: Thùng gỗ đựng thóc, máng ăn cho vật nuôi, cối gỗ… Trong đó, điểm nhấn là chiếc váy xòe rộng phơi ở mái hiên. Chiếc váy màu đỏ, thêu những bông hoa to cùng con công lấp lánh. Chi tiết này vô cùng đặc sắc, tạo sự thu hút đặc biệt cho bức tranh.

Họa sĩ Mạnh Sáng khéo đến mức nhiều người xem bảo rằng “vẽ như thật”. Giữa không gian tĩnh lặng ấy, một cô gái trong trang phục truyền thống của người Sán Chỉ nhẹ bước ra ngoài, dưới chân cô là chú cún con và gà chíp đang vui đùa. Sự kết hợp hài hòa và tinh tế này đã mang đến khung cảnh vừa bình yên vừa sinh động, tràn đầy sức sống cho toàn tác phẩm.

Chia sẻ về bức tranh, họa sĩ Mạnh Sáng cho biết: Tác phẩm “Cô gái Sán Chỉ” được tôi thu thập tư liệu và lên ý tưởng trong chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Pác Nặm. Sau khi về nhà, tôi suy nghĩ và tập trung hoàn thiện bức tranh trong hơn một tháng. Đầu tiên là vẽ phác họa thật kỹ, khi vẽ màu càng phải cẩn thận, vì chỉ cần sai một chi tiết nhỏ cũng làm tác phẩm không như mình dự định. Tôi mong muốn mọi người xem tranh hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào vùng cao, cụ thể ở đây là người dân tộc Sán Chỉ.

Vì thế, chi tiết nào trong tranh của họa sĩ Mạnh Sáng cũng thể hiện sự tỉ mỉ, trau chuốt. Từ những nông cụ ngoài sân cho đến trang sức nhỏ trên đầu cô gái, họa sĩ Mạnh Sáng đều vẽ rất chi tiết. Như thể anh mang hình ảnh chân thực nhất cho người xem. Đặc biệt, sự kết hợp màu sắc tinh tế, bố cục hài hòa đã tạo nên sự cuốn hút của “Cô gái Sán Chỉ”./.

Xem thêm