Huyện Chợ Đồn là địa phương trồng cây trà hoa vàng sớm và nhiều nhất tại tỉnh Bắc Kạn. Thời gian đầu, người dân ở xã Nghĩa Tá chưa hiểu hết giá trị của cây trà hoa vàng nên thường đào cả gốc đem bán ở chợ, giá rất rẻ. Trung bình mỗi ki-lo-gam trà hoa vàng chỉ có giá trị 300 - 500 nghìn đồng, cây giống bán với giá 5.000 - 8.000 đồng.
“Theo tìm hiểu trên internet và các địa phương khác, tôi thấy trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng. Đặc biệt, lá và hoa của loại cây này có thể làm đồ uống cao cấp, mang lại tác dụng phòng, chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu. Khi được sấy khô bằng công nghệ cao, sản phẩm này mang lại giá trị rất lớn", cô gái Tày sinh năm 1990 chia sẻ.
Sản phẩm trà hoa vàng của Chị Dương Khánh Ly cùng HTX nông lâm Nghĩa Tá đạt chuẩn OCOP 3 sao. |
Cảm thấy tiếc cho công sức của bà con vì loài cây quý hiếm của quê hương không có được thương hiệu xứng với giá trị của nó, chị Khánh Ly quyết tâm tìm hướng đi mới cho trà hoa vàng. Nghĩ là làm, năm 2019, Khánh Ly đã mạnh dạn bắt tay vào trồng 1.000 cây trà hoa vàng tại trang trại của gia đình và tỉ mỉ chăm sóc. Đồng thời chị còn vận động được 09 hộ trong thôn thành lập HTX Hoà Thịnh. Các thành viên trong HTX đều được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trà hoa vàng, nhằm tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định.
Đến cuối năm 2021, cây trà hoa vàng tại trang trại ra hoa đợt đầu tiên, sự cố gắng của Khánh Ly đã bắt đầu thu được kết quả. Chị đăng bán thử trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, đồng thời được bạn bè, người quen ủng hộ, giới thiệu thêm khách hàng. Ít tháng sau khách hàng tìm đến và đặt mua sản phẩm ngày càng đông. Từ sự ủng hộ của người tiêu dùng, thành phẩm thu được từ trang trại không đủ cung cấp cho thị trường. Thấy vậy, Khánh Ly quyết định nhập nguyên liệu của bà con quanh vùng.
Sau 2 năm đi vào hoạt động ổn định, tháng 5/2021, Khánh Ly mạnh dạn tách ra làm Hợp tác xã của riêng mình, với cái tên mới: Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá - lấy tên của xã để khẳng định sản phẩm sạch của quê hương mình. Từ đây, cô gái Tày đảm nhận vai trò Giám đốc Hợp tác xã, tiếp tục bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu của cây trà hoa vàng tại huyện Chợ Đồn nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX nông lâm Nghĩa Tá. |
Hành trình khởi nghiệp dần ổn định, tháng 3/2022, chị Khánh Ly quyết định mở rộng quy mô sản xuất bằng cách xây dựng xưởng máy sấy trà hoa vàng năng lượng mặt trời tích hợp và dựng thêm xưởng chế biến trà với quy mô hơn 300m2 ở cạnh nhà.
“Vì vụ hoa của trà hoa vàng từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, vụ lá trà được thu hái và sơ chế từ tháng 4 - 6 nên thời gian còn lại HTX chúng tôi chủ yếu làm măng nứa sấy khô, cuối năm thì giâm cây giống trà hoa vàng và xuất bán”, chị Khánh Ly cho hay.
Hoa trà sau khi chọn lọc, phân loại sẽ được đưa vào máy sấy để tạo ra sản phẩm trà hoa vàng. |
Khi có xưởng máy sấy, chị Khánh Ly đã thuê thêm nhân công, đều là thành viên trong Hội Phụ nữ tham gia sấy trà hoa vàng, sấy măng nứa khô. Hiện tại HTX duy trì số lượng 5 - 6 lao động chính, đến vụ lá trà thì số lượng tăng lên từ 14 đến 16 lao động với thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến kỹ thuật sơ chế, chế biến, chị Dương Khánh Ly đều nắm chắc. |
Năm 2022, sản phẩm trà hoa vàng của HTX nông lâm Nghĩa Tá được chứng nhận 3 sao OCOP.
Bà Ma Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Tá. |
Chị Khánh Ly cho biết thêm, trong thời gian tới HTX sẽ sản xuất thêm các sản phẩm như: Rượu men lá trà hoa vàng, măng nứa sấy khô bằng bằng công nghệ sấy năng lượng mặt trời... Dự kiến trong năm 2024, HTX sẽ sản xuất khoảng 200 - 400kg măng nứa sấy khô cung cấp cho thị trường.
Mong muốn của nữ giám đốc HTX nông lâm Nghĩa Tá là có thêm vốn để đầu tư thêm trang thiết bị máy móc để sản xuất ra được nhiều sản lượng hơn, đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường; có điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm trà hoa vàng Nghĩa Tá của Bắc Kạn đến mọi miền Tổ quốc./.