Cuộc sống mới ở khu tái định cư Bản Bung

Sau hai năm chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống người dân tái định cư thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đã đi vào ổn định. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự cần cù trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay.

Bản Bung cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 10km. Đến đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng nhiều thay đổi lớn: Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, những con đường được bê tông hóa phẳng phiu, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhịp sống bình yên nơi ở mới đang hiện hữu trên gương mặt của người dân nơi đây.

Anh Đặng Văn Chính- một người dân trong thôn chia sẻ: Trước kia, khi còn ở nơi cũ, bà con đa số làm nương rẫy, đời sống vật chất và tinh thần gặp rất nhiều khó khăn. Đường đi lại khó khăn, mỗi lần đem các mặt hàng nông sản xuống trung tâm xã để bán mất rất nhiều thời gian và giá cả không được cao, chất lượng sản phẩm chưa mang tính cạnh tranh. Sau khi về nơi ở mới, mỗi hộ được Nhà nước cấp 200m2 đất để xây nhà, được cấp một phần đất sản xuất để yên tâm phát triển kinh tế, nhờ vậy ổn định đời sống và góp phần nâng cao thu nhập.

Khu tái định cư Bản Bung là một trong hai khu tái định cư phục vụ thi công hồ chứa nước Nặm Cắt. Hiện nay toàn thôn có 50 hộ, điều đáng mừng là ở đây người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, có đường đi lại thuận tiện, đường đến trường của trẻ em cũng được rút ngắn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở nơi đây. Có thể thấy, kết cấu hạ tầng của Bản Bung đã được đầu tư khá đồng bộ. Về sản xuất, các hộ vẫn tiếp tục duy trì gieo cấy lúa nước, trồng ngô, hoa màu và cây ăn quả, mô hình chăn nuôi vừa để phục vụ gia đình và đem bán để tăng thêm thu nhập.

Một bãi đá có phong cảnh đẹp ở địa phương
Một bãi đá có phong cảnh đẹp ở địa phương đã thu hút nhiều du khách đến ngắm cảnh, vui chơi chụp ảnh lưu niệm.

Theo ông Đặng Kính Dũng, trưởng thôn Bản Bung cho biết: Từ năm 2020 ra đây đến nay, cuộc sống người dân đã đi vào ổn định. Nhờ sự cần cù trong lao động, sản xuất nên đời sống của nhiều hộ đã khá giả hơn trước. Mặc dù vậy, Bản Bung vẫn mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho thôn những dự án về trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như tổ chức thực hiện các mô hình với quy mô lớn hơn để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo việc làm cho người lao động.

Gần Bản Bung có Hồ Nặm Cắt, phần diện tích mặt hồ khá rộng phù hợp cho việc nuôi, trồng thủy sản nên người dân mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương nghiên cứu để thực hiện thí điểm các mô hình chăn nuôi thủy sản phù hợp. Mặc khác, Bản Bung cũng như khu vực hồ có không khí trong lành và phong cảnh đẹp, rất phù hợp để làm các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Thực tế địa phương đã thu hút rất nhiều du khách đến ngắm cảnh, vui chơi chụp ảnh lưu niệm tại bãi đá “mồ côi”, trải nghiệm tại một số gia đình trong thôn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là du lịch tự phát, người dân Bản Bung mong muốn các cấp, ngành liên quan có giải pháp quản lý và phát triển kinh tế du lịch./.

Đặng Hý Hoan

(Lớp Báo chí K17)

Xem thêm