Đại biểu Nguyễn Thị Huế: Cần cụ thể hoá các hoạt động hỗ trợ phát triển điện ảnh

Trong phiên thảo luận chiều 28/10 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Huế- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu bày tỏ sự tán thành đối với Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi và có ý kiến đối với một số nội dung cụ thể:

Về chính sách phát triển điện ảnh, đại biểu cho rằng quy định đề tài phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị tại điểm a khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật là rất rộng, nhất là các vấn đề cuộc sống đương đại. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh cần có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá thêm một số khía cạnh, đặc biệt là trong điều kiện đẩy mạnh việc xã hội hoá, thu hút nhiều nguồn lực, cũng như chất lượng các sản phẩm xã hội hoá thời gian qua, trên cơ sở đó tập trung vào những đề tài trên thực tiễn chưa hấp dẫn đầu tư, nhưng cần thiết phải được quan tâm, chú trọng, đảm bảo phát triển điện ảnh gắn liền với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội.

Đại biểu đề nghị cần cụ thể hoá các hoạt động hỗ trợ phát triển điện ảnh để việc thực hiện có hiệu quả trên thực tế, như: Hỗ trợ sản xuất, phát hành, phổ biến phim, góp phần giới thiệu văn hoá, đất nước và con người Việt Nam, đồng thời làm rõ chính sách, cơ chế gắn liền với hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ phát hành, hỗ trợ phổ biến phim để làm cơ sở thống nhất thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, hiện nay tình trạng quay lại phim đang công chiếu, thậm chí là truyền dẫn trực tiếp phim trên các trang mạng xã hội khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất phim, của rạp chiếu phim và vi phạm đến bản quyền tác phẩm. Mặc dù đã có quy định về chế tài xử lý nhưng thực tế việc vi phạm vẫn tiếp diễn. Đề nghị bổ sung quy định rạp chiếu phim cũng phải chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim.

Về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa quy định rõ. Đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim bảo đảm yêu cầu chuyên môn, tăng tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thẩm định phim của các cơ sở điện ảnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị cần xem xét bổ sung thêm vào dự thảo Luật một số nội dung có liên quan tới điện ảnh như: Những quy định tạo hành lang pháp lý để xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất phim. Định mức kinh tế - kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá đặt hàng sản xuất phim và là căn cứ để bố trí ngân sách hằng năm và các nguồn đầu tư cho điện ảnh. Theo quy định về đặt hàng sản xuất sản phẩm, dịch vụ công, giá đặt hàng được xác định dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành…/.

N.V

Xem thêm