Đầu tư phát triển giao thông nông thôn

Hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư sẽ góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện...

Hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư sẽ góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện...

Với phương châm
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", rất nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được xây dựng (Trong ảnh: Người dân xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn chung tay làm đường).

Tạo bước ngoặt nối dài

Theo Quy hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh, đến nay một số dự án trọng điểm đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn đến các xã miền núi đặc biệt khó khăn (ĐT 258); Dự án nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 257 Bắc Kạn - Chợ Đồn… Nhiều dự án trọng điểm khác đang được triển khai thực hiện, như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Xuất Hoá - cửa khẩu Pò Mã (hiện đã thi công xong đoạn từ km0 đến km18+600); Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 258B; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn)... Cùng với việc nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì hệ thống giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư. Hệ thống giao thông nông thôn không chỉ là những tuyến đường huyết mạch nối các trung tâm huyện với xã hoặc nối các trung tâm xã với nhau mà còn là các tuyến đường liên thôn, liên xóm, kể cả đường bờ mương, bờ vùng, bờ thửa… để nối các khu dân cư, thôn xóm, phục vụ đời sống dân sinh tại các vùng nông thôn.

Mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện có 50 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 543km và 266 cầu; 413 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 1.249km và hệ thống đường liên thôn với tổng chiều dài trên 1.723km. Trong giai đoạn 2010 - 2015, từ các nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã nâng cấp cải tạo, mở mới 87,4km đường huyện đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A; 291,3km đường xã đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn từ loại A đến loại B và 203,9km đường thôn; xây mới 23 cầu trên đường huyện và 30 cầu trên đường xã, với tổng kinh phí đầu tư là 454,8 tỷ đồng.

Nhìn chung, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển căn bản, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực này. Mục tiêu chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh phấn đấu: 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa; 100% đường huyện, tối thiểu 50% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp được quy hoạch; tối thiểu 35% đường thôn, xóm được cứng hóa; từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn.

Gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn có lẽ là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như tỉnh ta. Nhiều thôn, bản của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chỉ có từ 10 đến 20 hộ, lại ở rải rác cách xa nhau nên công tác xây dựng hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, chi phí xây dựng tăng cao, trong khi nguồn vốn của tỉnh lại thiếu.

Đường đến trung tâm xã Đôn Phong vẫn chưa đi lại được 4 mùa
Cần rất nhiều nguồn lực cho giao thông nông thôn (Trong ảnh: Đường đến trung tâm xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông vẫn chưa đi lại được 4 mùa).

Giai đoạn 2010 – 2015, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là trên 570,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp là trên 30 tỷ đồng. Hệ thống đường huyện được đầu tư xây dựng cơ bản đạt cấp đường giao thông nông thôn loại A trở lên; 100% các xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, mặc dù vẫn còn 4 xã chưa có đường đi thông suốt được 4 mùa, còn phải đi qua ngầm như: xã Bằng Thành (Pác Nặm), xã Đôn Phong (Bạch Thông), xã Vũ Loan và Ân Tình (huyện Na Rì). Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ ki-lô-mét đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa mới đạt 60%; tỷ lệ ki-lô-mét đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn là 26%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa chỉ đạt 10% và chưa có ki-lô-mét đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Trên thực tế, các tuyến đường xã, ngõ xóm, thôn bản chủ yếu là đường giao thông nông thôn loại B và đường mòn, hoặc do người dân tự mở không vào cấp, các phương tiện tham gia chủ yếu là xe tải cỡ nhỏ, xe thô sơ và xe máy, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại và sản xuất nông, lâm nghiệp.

Xây dựng nông thôn mới là một chương trình hợp lòng dân, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và tham gia thực hiện. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, đã có rất nhiều người dân hiến đất làm đường, thậm chí bỏ tiền ra mở đường, đóng góp sức người chung tay xây dựng những con đường liên thôn, liên xã. Để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, cần thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đó lựa chọn các phương thức triển khai thực hiện là: “Dân làm - Nhà nước hỗ trợ” hoặc “Nhà nước làm - dân hiến đất”, “dân làm - dân hiến đất - Nhà nước hỗ trợ” tùy theo điều kiện cụ thể, tình hình thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, với thu nhập của người dân còn thấp nên cơ chế hỗ trợ kêu gọi nguồn lực, vốn vận động trong dân (vốn đối ứng) không đáng là bao so với khối lượng cần thực hiện. Vì vậy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chiến lược phát triển giao thông nông thôn của tỉnh nói chung cũng như thực hiện 4 nội dung về giao thông theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo ông Ma Trương Thiêm– Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Để đạt được mục tiêu về giao thông nông thôn khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế thì phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động tối đa mọi nguồn lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Quan trọng nhất là có cơ chế chính sách xây dựng giao thông nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà thầu nhỏ, tư nhân tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông./.
 

Lê Trang

Xem thêm