Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Thanh Bình

Phát triển khu công nghiệp Thanh Bình là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Bắc Kạn, nhằm góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân và chuyển dịch cơ cấu lao động...

Phát triển khu công nghiệp Thanh Bình là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Bắc Kạn, nhằm góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân và chuyển dịch cơ cấu lao động...

Các công ty, nhà máy đang hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Thanh Bình.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Thanh Bình.

Đầu tư phát triển giai đoạn I

Từ năm 2012 cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình giai đoạn I đã được đầu tư tương đối đồng bộ và đưa vào sử dụng phục vụ hoạt động của các nhà đầu tư trong khu công nghiệp với tổng diện tích là 62,1ha, trong đó diện tích cho thuê là 45,9ha; đất xây dựng hạ tầng là 17ha. Theo đó, có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa, có Trạm xử lý nước thải công suất 2.500m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý nước thải cho toàn bộ các dự án triển khai thực hiện trong KCN, có đường giao thông nội bộ, đường điện chiếu sáng và hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường chạy qua trước ba mặt các phía Bắc, Tây, Nam các lô đất đã san nền, tạo điệu kiện rất thuận lợi cho nhà đầu tư khi thuê đất triển khai dự án.

Theo thống kê từ năm 2007 đến nay có 13 lượt dự án của 10 nhà đầu tư đã đầu tư vào KCN Thanh Bình, thế nhưng hầu hết các dự án triển khai dở dang hoặc chấm dứt hoạt động. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nguyên nhân do một số nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã không thực hiện đúng tiến độ quy định tại Giấy CNĐT, sử dụng đất không có hiệu quả và không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Một số nhà đầu tư sử dụng phần lớn diện tích đất và ở vị trí thuận lợi nhất trong KCN chưa trả tiền thuê đất theo quy định, đặc biệt là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nộp các khoản phí hạ tầng, phí dịch vụ công ích. Hiện tại, một số dự án đã chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy CNĐT nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư không thanh lý dự án và gặp khó khăn trong việc và thu hồi đất.

Đến nay, những công ty đang hoạt động ổn định điển hình như: Chi nhánh Công ty CP Hồ Bắc - Bắc Kạn với tổng số lao động 160 người; sản phẩm 12,5 triệu chi tiết sản phẩm/tháng. Công ty TNHH MISAKI Nhà máy sơ chế nông sản, công suất 2.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động và tiến hành thu mua mơ về sơ chế; Công ty Cổ phần đầu tư GOVINA hiện cơ bản hoàn thiện xây dựng nhà máy, công ty đã vận hành thử máy móc từ ngày 20/5/2018.

Nhằm tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại,vướng mắc trong Khu Công nghiệp Thanh Bình, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án đầu tư, khôi phục hoạt động sản xuất và đảm bảo các chính sách cho người lao động theo quy định. Trước mắt, tập trung giải quyết dứt điểm việc thu hồi 17,7ha đất của Công ty CP khoáng sản và gang thép Kim Sơn, thực hiện các thủ tục đền bù, GPMB 34,5ha cho 02 Nhà máy kim loại của Công ty CP tập đoàn công nghiệp Tây Giang, đôn đốc Công ty Sahabak thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất gỗ dán, đôn đốc Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ khôi phục hoạt động sản xuất Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn.

Giai đoạn II thu hút nguồn vốn xã hội hóa

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang thu hút một số dự án đầu tư mới và đang tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn II Khu công nghiệp Thanh Bình với quy mô 80,3ha theo Quyết định phê duyệt số 1061/QĐ-TTg ngày 14/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm gần đây, việc thu hút một nhà đầu tư thuần túy, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp gần như là không thể, chủ yếu vì lý do vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn lâu. Giải pháp thu hút vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II theo hình thức nhà đầu tư có dự án đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ ứng trước vốn để xây dựng các hạ tầng kỹ thuật. Sau đó sẽ được khấu trừ vào các khoản tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng… khi dự án sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động, cũng được xác định là hết sức khó khăn.

Trên diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II địa hình phức tạp, trong khi đó việc xây dựng mặt bằng khu công nghiệp sẽ phải chi phí cho cả thi công san lấp lẫn các khoản đền bù, hỗ trợ đều cao, với dự toán chi phí đầu tư ban đầu là hơn 390 tỷ đồng.

Hiện mặc dù chưa được đầu tư xây dựng giai đoan II, nhưng Khu công nghiệp Thanh Bình đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng và sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 04 hồ sơ thủ tục đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư là: Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty CP Thương mại và Phát triển Nền móng Hồ Bắc, Công ty CP Phát triển Công nghiệp Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Luyện kim màu Tây Giang. Tỉnh cấp 02 Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty CP Phát triển Công nghiệp Bắc Kạn và  Công ty CP Luyện kim màu Tây Giang Bắc Kạn. Trong đó, Công ty Cổ phần Luyện kim màu Tây Giang Bắc Kạn thực hiện dự án Nhà máy sản xuất chì kim loại, công suất 20.000 tấn/năm và Công ty Cổ phần phát triển công nghiệp Bắc Kạn thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Feromangan và Silicomangan, công suất 60.000 tấn/năm. Ngành chức năng hỗ trợ Công ty MISAKI lập hồ sơ xin giao đất thực hiện dự án và đã được UBND tỉnh giao đất tại Quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 14/5/2018; hỗ trợ Công ty Govina trong việc giới thiệu vị trí, địa điểm, hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ xin giao đất thực hiện dự án và đất xây dựng nhà ở công nhân.

Đồng chí Nông Đình Huân- Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để thu hút vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II, về phương thức đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật cần thiết phải có sự phối hợp của nhà nước và nhà đầu tư. Dự án dự kiến cần vốn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư các hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát mưa, thoát nước thải, hệ thống cấp điện, nước… Sự hỗ trợ đầu tư vốn ngân sách của tỉnh để chi phí GPMB, tái định cư. Đồng thời huy động được nguồn vốn xã hội hóa để san nền của nhà đầu tư đăng ký dự án. Phương thức huy động vốn như vậy sẽ thuận lợi vì số tiền ứng trước của nhà đầu tư không quá lớn. Hơn nữa số tiền đầu tư được sử dụng trực tiếp cho việc san lấp tạo mặt bằng để nhà đầu tư triển khai dự án, do đó dễ chấp nhân hơn so với việc huy động vốn của nhà đầu tư để thực hiện các hạng mục khác.

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh xây dựng khung giá cho thuê đất có hạ tầng của Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II, làm cơ sở để vận động nhà đầu tư ứng trước nộp một lần tiền thuê đất để sử dụng vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ban Quản lý sẽ đại diện UBND tỉnh ký thỏa thuận với nhà đầu tư trả tiền thuê đất có hạ tầng ứng trước nộp một lần để thực hiện công tác bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Sau khi đầu tư xây dựng xong hạ tầng Khu công nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục giao đất để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, số tiền nhà đầu tư ứng trước sẽ được phản ánh chính thức trong ngân sách thông qua việc nhà đầu tư được tính thời gian miễn trừ tiền thuê đất có hạ tầng, tương ứng với số tiền mà nhà đầu tư đã ứng trước để GPMB và xây dựng hạ tầng. Tỉnh cần có cơ chế đặc thù để giải quyết dứt điểm những tồn tại về đất đai đối với những trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp được giao đất nhưng kéo dài thời gian không thực hiện dự án hoàn thành hoặc đã chấm dứt dự án đầu tư. Theo đó, đối với những dự án đầu tư sau khi đã chấm dứt hoạt động thì cần kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.

Với xu hướng đa dạng hóa nhiều hơn các nguồn vốn, khuyến khích nhiều hơn việc áp dụng các cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư mới, có thể được xem là giải pháp để tỉnh Bắc Kạn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bích Ngọc

Xem thêm