Cụ thể, hoạt động được triển khai tại hai xã Ngọc Phái và Nam Cường của huyện Chợ Đồn. Tại những xã này, đoàn tiến hành thu thập mẫu phân và mẫu máu của hơn 400 người dân địa phương có độ tuổi từ 6 - 65 để xét nghiệm, tìm các loại trứng giun sán, ấu trùng bằng phương pháp Kato-Katz (soi kính hiển vi) và xét nghiệm ELISA (tìm ký sinh trùng trong máu) phát hiện bệnh ấu trùng, sán lá gan lớn, giun đũa chó mèo.
Qua xét nghiệm, kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường ruột là 14 ca dương tính, chủ yếu là nhiễm giun móc, 01 ca nhiễm phối hợp giun tóc- giun móc và 01 ca nhiễm giun kim, chiếm tỷ lệ 3,54%.
Bên cạnh đó, Đoàn phỏng vấn người dân đến xét nghiệm qua bộ câu hỏi về kiến thức, thái độ, thực hành phòng, chống bệnh giun sán. Các trường hợp xét nghiệm phát hiện nhiễm ký sinh trùng được các bác sĩ lập danh sách hướng dẫn, tư vấn điều trị.
Ông Lường Văn Hùng, ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn chia sẻ: "Hôm nay, tôi đến Trạm Y tế xã để các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và được phỏng vấn, tuyên truyền về bệnh giun sán, cách phòng chống. Qua đó, tôi đã hiểu được hơn về những bệnh tật trong cơ thể con người. Về nhà tôi sẽ tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bà con làng xóm thường xuyên ăn chín, uống sôi để phòng chống bệnh tật."
Ông Triệu Tuyền Chu cho biết: “Qua tuyên truyền về bệnh giun sán, ký sinh trùng đường ruột, tôi hiểu được cách phòng, tránh là không nên ăn đồ sống, không uống nước lã. Việc ngành chức năng về địa phương lấy máu xét nghiệm và tuyên truyền về phòng, chống bệnh tật là rất thiết thực, giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh tại cộng đồng”.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết: Chương trình phân vùng dịch tễ của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, được Bộ Y tế phê duyệt. Đoàn công tác chúng tôi về điều tra tại 02 Trạm Y tế xã Ngọc Phái, Nam Cường (Chợ Đồn). Với chương trình này, người dân được xét nghiệm miễn phí để tìm các loại trứng giun sán ở trong cơ thể. Bên cạnh công tác xét nghiệm, Đoàn còn tăng cường truyền thông, điều trị... đem lại những hiệu quả tốt nhất cho người dân.
Bác sĩ Phạm Thị Hằng cho biết thêm: Các bệnh do giun, sán gây ra thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, là căn bệnh âm thầm. Các loại ấu trùng, giun sán xâm nhập vào cơ thể người thông qua các con đường ăn uống, qua da và lây từ động vật sang người. Chúng có thể sống trong cơ thể người nhiều năm để sinh sôi, nảy nở và hút dinh dưỡng, hút máu từ cơ thể vật chủ. Sau khi các ấu trùng giun, sán xâm nhập vào cơ thể người, chúng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể người. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và một số người dân thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất như làm ruộng, trồng rau màu có tỷ lệ nhiễm cao hơn. Người bệnh thường không biết sự tồn tại của chúng hoặc vô tình phát hiện khi được thực hiện các chỉ định xét nghiệm, khám sức khoẻ. Do vậy, để phòng, tránh lây nhiễm ký sinh trùng, người dân cần tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn chín, uống sôi.
Bắc Kạn nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, dễ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng phát triển. Theo kết quả điều tra, năm 2023 toàn tỉnh phát hiện 09 người bị nhiễm giun sán. Trong năm các đơn vị y tế tỉnh đã tổ chức triển khai tẩy giun 6 tháng/lần cho các trẻ em từ 24 đến 60 tháng tuổi, đạt 100%.
Để thực hiện công tác trên, hằng năm Sở Y tế ra các văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đưa ra những khuyến cáo cho người dân không ăn thực phẩm tươi sống, hoặc chưa nấu chín, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước. Nên đi khám, kiểm tra sức khoẻ định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh ấu trùng, giun sán, giúp việc điều trị đúng hướng, hiệu quả./.