Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp

6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức về dịch tả lợn châu Phi, thiên tai... nhưng vẫn tiếp tục duy trì, bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai kịp thời các phương án, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đúng khung thời vụ, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển.

6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức về dịch tả lợn châu Phi, thiên tai... nhưng vẫn tiếp tục duy trì, bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai kịp thời các phương án, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đúng khung thời vụ, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển.

h
Nhiều diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ được mở rộng.

Nhằm thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; các Chỉ thị, văn bản của Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh uỷ, đặc biệt là chỉ đạo, triển khai các phương án để thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; ban hành kế hoạch, phân giao nhiệm vụ, thời hạn thực hiện từng nội dung cho các phòng, đơn vị thuộc ngành; đồng thời tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao; chỉ đạo đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thực hiện đúng khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra; đặc biệt là mưa đá, dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều địa phương, dịch Covid-19,... gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của tỉnh, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2019. Nổi bật là một số loại cây trồng vượt chỉ tiêu so với kế hoạch như: Diện tích cây lúa tăng 5% so với kế hoạch (414 ha), trong đó diện tích sản xuất lúa chất lượng tăng 13% (193ha); diện tích trồng cây nghệ tăng 74% (30ha)...

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo giá so sánh năm 2010 trên địa bàn ước đạt 877 tỷ đồng; theo giá hiện hành đạt 1.557 tỷ đồng, cụ thể: Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông - Xuân ước đạt 87.434/86.699 tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2019. Về diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân: Lúa xuân 8.714/8.300ha, đạt 105% kế hoạch, năng suất ước đạt 56,03 tạ/ha, sản lượng 48.820/46.728 tấn, đạt 104% kế hoạch; trong đó diện tích sử dụng giống lúa chất lượng là 1.663/1.470ha, đạt 113% kế hoạch. Diện tích chuyển đổi cơ cấu trên đất lúa 125/273 ha, đạt 46% kế hoạch, diện tích còn lại tiếp tục thực hiện trong vụ mùa.

Hiện nay, tại một số địa phương, bà con nông dân đang tập trung làm đất, gieo mạ vụ mùa. Ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện các quy định của pháp luật về buôn bán giống cây trồng; tuyên truyền bà con sử dụng các loại giống nằm trong cơ cấu chỉ đạo của tỉnh; thành lập đoàn kiểm tra, thống kê, rà soát giống cây trồng trên địa bàn.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Sản phẩm trồng trọt đã dần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, ngày càng phát triển theo hướng chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đa dạng sản phẩm. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất ngày càng tăng, phát triển diện tích lúa đặc sản tạo thị trường hàng hoá; các giống cây ăn quả có chất lượng tốt được trồng mới và trồng thay thế. Nhiều diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ, vùng rau an toàn đang được duy trì và mở rộng. Các tiến bộ kỹ thuật và mô hình sản xuất tiên tiến tiếp tục được nhân rộng.

Tại các huyện, thành phố, các mô hình thử nghiệm giống mới, kỹ thuật canh tác cải tiến; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác tiếp tục được đưa vào triển khai. Thành công của các mô hình đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất. 

Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất được tăng cường; triển khai thực hiện tốt dịch vụ tưới, tiêu đảm bảo đủ nước cho gieo cấy và chăm sóc cây trồng; hệ thống phân phối dịch vụ về vật tư, giống, phân bón, thuốc BVTV đến người dân, đảm bảo yêu cầu cho sản xuất, hạn chế tối đa nguồn giống, vật tư nông nghiệp và thuốc BVTV kém chất lượng lưu thông trên địa bàn.

Theo đồng chí Nguyễn Mỹ Hải- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp 6 tháng cuối năm, Sở tập trung chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tốt các hoạt động về phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; các dự án thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và có kiến nghị bổ sung, điều chỉnh cho sát với thực tiễn.

Đồng thời, triển khai phương án sản xuất vụ mùa, khẩn trương thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ xuân; thu hoạch xong đến đâu phải làm đất ngay đến đó, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch rơm rạ và tàn dư cây trồng trên đồng ruộng, vận động, chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh vào sản xuất, canh tác theo hướng quản lý dịch hại bằng việc thực hiện tổng hợp các biện pháp (IPM); đặc biệt sử dụng đúng cơ cấu giống cây trồng theo cơ quan chuyên môn chỉ đạo, gieo trồng trong khung thời vụ, mở rộng diện tích áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI). Riêng đối với cây gừng, nghệ, dong riềng, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Phối hợp UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng trừ sinh vật gây hại, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại đến sản xuất và môi trường; tăng cường công tác dự tính dự báo BVTV, sớm phát hiện mức độ phát sinh, phát triển và gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại trong sản xuất để có biện pháp xử lý kịp thời. Rà soát lại diện tích, sản lượng dự kiến của sản xuất vụ Đông - Xuân 2020, nếu hụt phải có kế hoạch để bù đắp theo hướng thâm canh tăng năng suất trên diện tích vụ mùa đảm bảo kế hoạch được giao. 

Đối với các loại cây đặc sản (cam, quýt, hồng không hạt), các huyện tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP hoặc đảm bảo ATVSTP và thâm canh, cải tạo đối với vườn cây già cỗi, thoái hóa theo kế hoạch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và hộ nông dân phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại địa phương.

Bích Ngọc

Xem thêm