Với điều kiện thuận lợi được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, nhiều năm qua, người dân Ngân Sơn chú trọng phát triển cây đào thành sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn manh mún, thiếu liên kết “4 nhà” khiến chất lượng quả đào cũng như giá trị kinh tế và đầu ra chưa ổn định.
Vườn đào của gia đình chị Hóa đang cho thu hoạch quả. |
Năm nay hầu hết các vườn đào đều mất mùa, sản lượng quả ít nên giá bán khá cao. Vườn đào của chị Trịnh Thị Hóa ở tổ dân phố Nà Nọi (thị trấn Nà Phặc) may mắn là một trong những hộ có sản lượng đào nhiều để bán. Dẫn chúng tôi tham quan vườn, chị Hóa cho biết: Gia đình tôi trồng giống đào tiên hơn chục năm nay, giá trị kinh tế cao hơn cây trồng khác. Với 600 gốc đào có năm gia đình tôi thu được hơn 60 triệu đồng. Vụ đào năm nay sai quả và được giá hơn bởi các vườn mất mùa, bình quân bán từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã bán hơn 3 tấn quả, tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Trồng đào không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm bón phân 2 lần, nhưng quả đào rất dễ bị sâu, nứt, rụng, dù được tập huấn kỹ thuật nhưng vẫn không giải quyết được triệt để. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm phát triển cây ăn quả này”.
Thị trấn Nà Phặc có diện tích trồng đào hơn 15ha, trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đây là một trong những cây trồng được địa phương khuyến khích phát triển. Bí thư Đảng ủy thị trấn Nà Phặc, ông Nông Văn Hoạt chia sẻ: Với hiệu quả kinh tế rõ nét từ cây đào, địa phương tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình, phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hỗ trợ nhân giống và kỹ thuật để quả đào khi chín không bị sâu, rụng, thu hoạch ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Để mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu loại quả này, địa phương đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP trong năm tới.
Vị đào Ngân Sơn có sự khác biệt, chua chua, giòn ngọt, dóc hạt và có hương thơm đặc trưng, khi chín có những đốm đỏ bắt mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Người dân trồng đào theo hai hình thức vừa để bán cây, vừa bán quả. Vài năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, việc tiêu thụ dễ dàng hơn, vì vậy diện tích trồng đào ngày càng được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có khoảng 36ha. Huyện Ngân Sơn đã xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó trồng mới thêm 20ha cây đào tại xã Vân Tùng và thị trấn Nà Phặc. Tuy nhiên, phát triển diện tích là điều dễ thực hiện nhưng để cây trồng này mang lại thu nhập cho người dân lại là “bài toán” cần có lời giải.
Ông Phạm Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Vấn đề đầu ra của sản phẩm là điều chúng tôi trăn trở. Thời gian tới, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật như cắt tỉa cành, xử lý bệnh trên cây đào, nâng cao chất lượng quả; xây dựng sản phẩm đào thành sản phẩm OCOP của địa phương; liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để hướng tới chế biến sâu thành các sản phẩm như đào sấy dẻo, si rô đào… Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành các vùng du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan gắn với từng thời vụ như: Mùa hoa đào sẽ tổ chức “lễ hội hoa đào” hay trải nghiệm hái đào để quảng bá sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Đây là các giải pháp để cây đào Ngân Sơn trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính bền vững"./.
Hà Nhung