Dịch sâu ong đang đe dọa rừng trồng toàn tỉnh

                              Kỳi 1: Sâu ong bùng phát gây hại trên diện rộng

                              Kỳi 1: Sâu ong bùng phát gây hại trên diện rộng

Sâu ong phá hoại hàng nghìn ha rừng mỡ

Sâu ong không phải là loài sâu lạ bây giờ mới có mà  thỉnh thoảng người dân vẫn thấy xuất  lác đác ở rừng trồng cây mỡ, tuy nhiên trước đấy do số lượng sâu còn ít,  nên họ không để ý, chỉ đến khi sâu ong lây lan trên diện rộng, trở thành dịch thì người dân mới tá hỏa tìm các biện pháp diệt trừ.

Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2011 người dân thị trấn Bằng Lũng và xã Phong Huân của huyện Chợ Đồn khi đi chăm sóc rừng mỡ đã phát hiện nhiều cây trơ trụi lá, nhìn kỹ thì ra đối tượng gây hại chính là vô số con sâu ong đang bám dày đặc trên cành lá, thân cây, lúc này diện tích thống kê mới chỉ có 17 ha. Tuy nhiên sau đó tốc độ lây lan của sâu ong cực kỳ nhanh: cuối tháng 2, đầu tháng 4 năm 2012, sâu ong nhanh chóng lan ra  trên địa bàn các xã của huyện Chợ Đồn và xuất hiện tại Pác Nặm với diện tích lên tới 415ha. Đến tháng 4 năm nay sâu ong đã gây hại trên diện tích rừng mỡ ở 7/8 huyện, thị (riêng huyện Na Rì hiện nay chưa phát hiện) với tổng diện tích nhiễm lên tới 1.700ha. Sâu ong gây hại trên cây mỡ ở tất cả các độ tuổi từ cây non mới trồng 1 năm cho đến những cây cao trồng được 5-6 năm, mật độ phổ biến 100-200con, cao thì 300-500con, cá biệt có nơi lên đến 2000-3000con/cây. Đến các xã Bình Trung, Đại Sảo, Phong Huân chứng kiến những vạt rừng mỡ bị sâu ong ăn lá trơ trụi trong những ngày hè nắng chói chang này không khỏi xót xa, rừng không còn sức sống bởi đã mất đi màu xanh vốn có của nó. Hiện nay dịch sâu ong chưa có dấu hiệu lắng xuống vẫn diễn biến phức tạp, đang có xu hướng lan rộng rất nhanh. Do thói quen nên mấy năm trước đây hầu hết nhiều diện tích  rừng sản xuất của bà con trên địa bàn tỉnh ta chỉ trồng cây mỡ, thuần loài, rừng mỡ kế tiếp rừng mỡ nên việc ngăn chặn sự lây lan là vấn đề hết sức khó khăn.

Sâu ong phá hoại rừng mỡ 4 năm tuổi ở thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn)
Sâu ong phá hoại rừng mỡ 4 năm tuổi ở thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn)

Sâu ong gây hại như thế nào?

Như đã đề cập, sâu ong không xa lạ với người dân miền núi, nhất là nơi có rừng mỡ. Tuy nhiên do đối tượng này trước đây chưa gây hại với mức độ lớn  nên công tác nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái cũng như các biện pháp phòng trừ còn rất hạn chế. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu về các loài sâu ăn lá thường gây thành dịch đối với cây rừng như: sâu róm thông, ong ăn lá thông, sâu xanh ăn lá bồ đề, sâu kèn túi nhỏ ăn lá keo…, nhưng phải đến năm 2005, loài sâu ong hại cây mỡ này mới được đưa vào danh sách những loài dịch hại rừng nguy hiểm, chúng được ghi nhận gây hại ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu cũng chỉ là bước đầu, cái quan trọng nhất là biện pháp phòng trừ hay tìm ra thành phần thiên địch thì chưa được đề cập đến. Như vậy đến nay phương pháp hữu hiệu nhất trong vấn đề phòng và diệt trừ sâu ong vẫn chưa được các nhà khoa học đưa ra, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác dập dịch sâu ong ở tỉnh ta trong suốt 3 năm qua còn nhiều lúng túng.

Sâu ong được hình thành như sau:  trứng sâu tồn tại dưới đất rồi hóa nhộng, nở thành sâu non, sâu non chui khỏi đất bám lên thân cây, trưởng thành thành ong, cánh có màng, bay lên ăn lá, gặm thân cây non, sau đó lại xuống đất đẻ trứng, vòng đời khoảng 2 tháng, mùa hại chính vào tháng 1 cho đến tháng 5 và tháng 9, tháng 10. Tuy nhiên trên thực tế một số cánh rừng sâu ong đã không tuân theo quy luật của loài mà vòng đời ngắn hơn, có thể 4 lứa/năm. Sâu ong tuổi nhỏ ăn lá diệp lục, từ tuổi 3 cho đến khi sâu đẫy sức, chuẩn bị hóa nhộng, sâu ăn trụi toàn bộ lá, khi nguồn thức ăn tại chỗ khan hiếm chúng gặm vỏ cành, vỏ thân phần trên ngọn làm cây mỡ giảm khả năng sinh trưởng, chết ngọn, giảm độ cao của cây, nếu bị hại nhiều đợt liên tục sẽ làm chết cây.

                                            (Còn nữa)

P.Thảo

Xem thêm