Dịch sâu ong đang đe dọa rừng trồng toàn tỉnh

Kỳ III: Cần sớm có giải pháp phòng trừ sâu ong triệt để

Kỳ III: Cần sớm có giải pháp phòng trừ sâu ong triệt để

Đã hơn 3 năm kể từ ngày phát sinh dịch sâu ong hai cây mỡ đến nay, mặc dù các địa phương  đã có những bước xử lý ban đầu bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng mức độ phát tán của đối tượng này không hề suy giảm mà ngày càng lan rộng với tốc độ rất nhanh ra khắp các huyện, thị. Trong khi đó diện tích trồng mỡ của toàn tỉnh là rất lớn, chiếm 70-80% khoảng 40.000ha. Với tốc độ lan nhanh như vậy mà không có biện pháp phòng trừ triệt để thì chắc chắn diện tích rừng mỡ bị ảnh hưởng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1.700ha như hiện nay.

Cán bộ trạm Bảo vệ thực vật Chợ Đồn hướng dẫn người dân biện pháp diệt trừ sâu ong
Cán bộ trạm Bảo vệ thực vật Chợ Đồn hướng dẫn người dân biện pháp diệt trừ sâu ong

Phát hiện muộn, xử lý chậm-nguyên nhân dẫn đến việc phát tán dịch vượt tầm kiểm soát

Vào thời điểm cuối năm 2011, người dân thị trấn Bằng Lũng và xã Phong Huân, Bình Trung của huyện Chợ Đồn mới phát hiện có 149 ha rừng mỡ bị sâu ong gây hại. Sau đó đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm sau diện tích cây mỡ bị nhiễm sâu ong đã tăng lên gấp 4 lần gần 600ha và sau đó lan sang các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Pác Nặm và đến nay gần như có mặt khắp 7/8 huyện thị (trừ Na Rì chưa phát hiện). Nhưng phải đến cuối năm 2012 khi diện tích nhiễm sâu ong đã lên tới con số báo động 1.100ha thì vấn đề diệt trừ sâu ong mới “nóng” lên toàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp giúp dân diệt trừ đối tượng gây hại này. Tỉnh bố trí nguồn kinh phí 854 triệu          triệu đồng cho việc mua vật tư, máy phun thuốc trừ sâu và hơn 430 triệu cho việc triển khai đề tài nghiên cứu về sâu ong. Bên cạnh đó ngân sách các huyện cũng trích ra hỗ trợ thu mua nhộng ong cho người dân. Tuy nhiên nhìn vào thực tế những biện pháp này chưa đem lại hiệu quả triệt để, diện tích nhiễm mới vẫn tăng lên, diệt chỗ này sâu ong lại  xuất hiện ở chỗ khác, những vùng sâu ong gây hại cây mỡ xác xơ, còi cọc,  hết lứa sâu này lại kế tiếp lứa sâu khác, nhiều diện tích diệt rồi nhưng vẫn tái nhiễm, sâu xuất hiện trở lại. Viện dẫn ý kiến của đồng chí La Thị Huyền- Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, từng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về sâu ong thì: “sâu ong là loài rất dễ diệt trừ chỉ cần phun thuốc là chết”. Như vậy quay trở lại vấn đề ngày đầu mới phát hiện dịch sâu ong:  diện tích 150ha được xem là điểm khởi phát của dịch sâu ong ở huyện Chợ Đồn nếu được khoanh vùng, xử lý ngay, quyết liệt hơn, tập trung hơn thì có lẽ mức độ lây lan sẽ hạn chế hơn nhiều so với hiện nay. Tốc độ sinh sôi nảy nở của sâu thì cực nhanh, nhưng xử lý con người thì còn chậm, khi dịch đã bùng phát trên diện rộng, vượt tầm kiểm soát thì việc diệt trừ triệt để ngày càng khó khăn hơn. Đây cũng là bài học rút ra cho công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng ở tỉnh ta trong thời gian qua.

Cần sớm huy động tổng lực để diệt trừ triệt để dịch sâu ong.

Sâu ong được nhận định là loài dễ diệt, chỉ cần phun thuốc là chết, vậy tại sao cho đến nay ở các địa phương người dân vẫn loay hoay chưa áp dụng được biện pháp nào được xem là tối ưu nhất? UBND tỉnh đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Bảo vệ thực vật của Trung ương  họp bàn với các cơ quan chức năng nhưng hiện tại vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào có khả năng ứng dụng vào thực tế cao. Các ý kiến đưa ra mới chỉ dừng lại ở mức độ còn rất chung chung như: Bắc Kạn cần quan tâm nhiều hơn đến biện pháp sinh học, tạo điều kiện có các loài thiên địch phát triển. Đồng thời, cần quan tâm khoanh vùng sâu gây hại nhằm quản lý chặt chẽ ổ dịch phát sinh, phát tán ra vùng khác; phải chú ý ngăn chặn sớm đối với những con vũ hóa giai đoạn đầu tiên trong năm, theo đó biện pháp “bẫy vàng” nên đặt sớm ở giai đoạn đầu, sau đó triển khai tổng hợp các giải pháp... Tuy nhiên các biện pháp mà các chuyên gia đề cập tới như sinh học tìm ra thiên địch thì mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, biện pháp đặt “bẫy vàng” bước đầu có hiệu quả nhưng theo tính toán của các ngành chức năng, biện pháp này tốn kém, bình quân khoảng trên 4 triệu đồng/ha, chỉ áp dụng có hiệu quả khi sâu giai đoạn trưởng thành, sâu non chưa gây hại cho cây mỡ. Biện pháp phun thuốc khó thực hiện đối với loại cây cao, nếu tiến hành trên diện lớn lại cần lưu ý đến vấn đề độc hại cho môi trường, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng. Việc thu mua nhộng ong không thể duy trì lâu dài vì nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp.

Một trong những nguyên nhân khiến việc phòng trừ sâu ong hết sức khó khăn được các địa phương nêu ra đó là: thiếu nhân lực. Nhân lực ở đây được hiểu là lao động để thực hiện việc phun thuốc, diệt sâu, bắt nhộng…Nhưng thiết nghĩ với giá trị kinh tế mà mỗi ha cây mỡ đem lại sau khi khai thác trung bình đạt 100 triệu đồng, vậy thì việc đầu tư nhân lực (kể cả việc đi thuê lao động để làm công việc này) cũng là điều nên làm ở tình thế “nước sôi lửa bỏng” đối với những diện tích đang bị nhiễm sâu ong chứ người dân không đành đứng đấy chỉ biết xót xa nhìn những ha rừng mỡ của gia đình ngày một xơ xác bởi sâu ong mà không làm gì để cứu vãn trong khi chờ đợi một giải pháp tối ưu nhất được các nhà chuyên môn công bố ứng dụng. Và phong trào huy động tổng lực ở các địa phương tham gia vào công tác diệt trừ sâu ong cần được tính đến, các hộ gia đình giúp nhau ra quân đồng loạt diệt trừ chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả cao hơn hiện nay.

                                                                        (Hết)

P.Thảo

Xem thêm