Điều chỉnh cước vận tải: Doanh nghiệp kêu khó

Giá xăng dầu tăng trở lại vào 15h ngày 18/9, nhưng trước đó sau nhiều lần giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn đề nghị giữ nguyên giá cước vận tải.

Giá xăng dầu tăng trở lại vào 15h ngày 18/9, nhưng trước đó sau nhiều lần giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn đề nghị giữ nguyên giá cước vận tải.

Các doanh nghiệp vẫn thực hiện bình ổn giá cước vận tải
Các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cước vận tải

Chưa giảm cước, xăng đã tăng

Trước đó, nhiều lần giá xăng, dầu điều chỉnh giảm tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đều chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giảm giá cước vận tải. Sở Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai, điều chỉnh giảm giá cước vận tải hành khách khi giá xăng, dầu giảm, yêu cầu đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trước ngày 20/9/2015. Tuy nhiên theo thông tin từ Phòng Quản lý phương tiện & Người lái (Sở Giao thông vận tải), đến hết thời điểm báo cáo thì chỉ có một số doanh nghiệp taxi có đăng ký giảm nhẹ giá cước còn các doanh nghiệp hay các hợp tác xã vận tải hành khách tuyến cố định đề nghị giữ nguyên giá cước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 30 xe taxi của 03 đơn vị là Chi nhánh DNTN Taxi Hoa Mai (TP Bắc Kan), DNTN Hoa Kim (Chợ Đồn) và Taxi Hà Lan (Chợ Mới). Đại diện hãng Chi nhánh DNTN Taxi Hoa Mai tại Bắc Kạn cho biết: “Taxi Hoa Mai đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước ngay khi giá xăng, dầu giảm. Mức giảm cước đợt này của Hãng khoảng 7 – 8% tập trung vào loại xe 08 chỗ”.

Đối với tuyến vận chuyển hành khách cố định có 03 doanh nghiệp tham gia khai thác, trong đó Công ty CP DV &TM Thưởng Nga có khoảng 17 xe; HTX vận tải Thống Nhất 05 xe; Công ty CP vận tải dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn có khoảng 35 xe khai thác dịch vụ vận chuyển hành khách. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, đã hết thời gian yêu cầu báo cáo về giảm giá cước thì các doanh nghiệp đều “quyết” giữa nguyên giá cước. Các doanh nghiệp vận tải hành khách đều cho rằng: Mặc dù giá xăng dầu từ đầu năm có giảm nhiều lần, nhưng mức giảm không đáng kể trong khi những đơn vị này đều thực hiện chủ trương của chính phủ là bình ổn giá. Đặc biệt vào thời điểm giá xăng tăng nhiều nhất (ngày 21/5/2015) các doanh nghiệp này đều cố gắng khắc phục và không tăng giá cước. Bên cạnh đó, thực tế chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 30% , còn lại 70% các chi phí khác như bến, bãi,nhân công, săm lốp, sửa chữa... thì không có xu hưởng giảm, thậm chí còn tăng.

Ông Đặng Văn Thưởng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương Mại & Dịch vụ Thưởng Nga lý giải: Ngày 04/2/2015 công ty xây dựng phương án giá vé tại thời điểm giá xăng A92 là 15.980đ/lít, giá dầu D 0,05s là 15.470đ/lít sau khi công ty thực hiện giảm cước vận tải hành khách và áp dụng giá cước đó đến hiện tại thì đã có nhiều lần xăng, dầu tăng giá nhưng công ty vẫn không tăng cước vận tải. Cũng có vài lần giá nhiên liệu giảm, nhưng rất “nhỏ giọt”  chưa giảm đến mức giá tại thời điểm công ty xây dựng giá cước. Do vậy để đảm bảo cho sản xuất kinh doanh công ty vẫn thu đúng mức giá đang áp dụng chứ không giảm.

Trên thực tế, các doanh nghiệp vừa báo cáo kê khai, và đề nghị không giảm giá cước vận tải hành khách (theo công văn yêu cầu trước ngày 20/9/2015) thì đến ngày 18/9 giá xăng lại đột nhiên tăng 600đồng/lít. Giá xăng, dầu biến động bấp bênh đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp phải những khó khăn trong việc điều chỉnh giá cước vận tải.

Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về giá cước

Việc tăng giảm giá xăng là một yếu tố quan trọng tác động đến vấn đề điều chỉnh giá thành vận tải. Tuy nhiên tăng hay giảm giá cước đều phải cân đối với thị trường và cũng không thể “chạy” theo giá xăng trong khi giá nhiên liệu thay đổi liên tục như vậy. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải, Sở Giao thông vận tải có công văn số 961/SGTVT/QLVT-PT&NL yêu cầu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và các đơn vị khai thác bến xe nghiêm túc thực hiện việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải báo cáo về tình hình thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô trong 8 tháng đầu năm 2015; trong đó có số lần, thời gian, giá cước thực hiện trong năm và việc thực hiện giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm; tổ chức bán vé và niêm yết giá cước theo giá cước kê khai. Chuẩn bị tất cả hồ sơ kê khai giá cước bằng xe ô tô trong năm 2015 (bao gồm các lần tăng, giảm giá cước).

Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo Thông tư số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Ông Đặng Quang Hùng – Phó Sở Giao thông Vận tải cho biết: Từ đầu năm 2015 đã có nhiều đợt tăng giá xăng dầu, nhưng các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đều không tăng giá cước theo chủ trương bình ổn giá vận tải. Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện bình ổn giá cước vận tải, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vi phạm về kê khai, niêm yết giá cước theo quy định./.
 

Lê Trang

Xem thêm