Độc đáo nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao

Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một bộ phận các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc bị mai một dần. Tuy nhiên, có những giá trị vẫn luôn được bảo tồn, phát huy trong đời sống bởi tính độc đáo và giá trị tinh thần vốn có, nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao là một trong số đó.

Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một bộ phận các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc bị mai một dần. Tuy nhiên, có những giá trị vẫn luôn được bảo tồn, phát huy trong đời sống bởi tính độc đáo và giá trị tinh thần vốn có, nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao là một trong số đó.

Nghi lễ cấp sắc còn được gọi là nghi lễ “Quá tăng”. Đây là một nghi lễ đã có từ lâu đời và trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao. “Quá” nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách, “tăng” là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Vì thế, hiểu một cách đơn giản thì đây là nghi lễ được tổ chức để công nhận một người đã trải qua thử thách và trưởng thành. Với đồng bào dân tộc Dao, nghi lễ này là một minh chứng, một sự công nhận chàng trai đã trưởng thành, có thể kế thừa và phát huy những thành quả của cha ông để lại; đã đủ khả năng để gánh vác những trách nhiệm lớn lao với cộng đồng. Nghi lễ cấp sắc tái hiện quá trình của một con người từ lúc lọt lòng, biết đi, rồi lớn lên biết lên nương, lên rẫy để trồng trọt, biết nương tựa vào núi rừng để trưởng thành. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với đời người đàn ông Dao. Bởi, chỉ sau khi cấp sắc thì người đàn ông Dao mới được coi là thực sự trưởng thành, trở thành người có vị trí trong xã hội.

Độc đáo nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao ảnh 1

Chuẩn bị cho một lễ cấp sắc 7 đèn ở thôn Khuổi Hóp, xã Như Cố (Chợ Mới).

 

Xét về nguồn gốc của nghi lễ cấp sắc, tương truyền, khi tổ tiên của người Dao đang sinh sống yên ổn, bỗng đâu ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi... Ngọc Hoàng bèn lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong để cùng quân nhà trời diệt trừ. Cũng từ đó, để đề phòng ma quỷ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa…

Nghi lễ cấp sắc thường được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc tháng Giêng. Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn (tùy vào thứ bậc theo, dòng họ theo quy định nghiêm ngặt). Ngày tháng tổ chức nghi lễ phải được lựa chọn kỹ lưỡng, người được cấp sắc và người được gia chủ mời đến phụ giúp đều là những người hiểu khá rõ về trình tự các bước, các thủ tục diễn ra trong suốt quá trình diễn ra của nghi lễ. Đồng bào dân tộc Dao quan niệm rằng, để nghi lễ diễn ra được suôn sẻ, những người được tổ chức cấp sắc phải kiêng kị một số điều (như: Vợ chồng không được ngủ chung trước, trong và sau ngày diễn ra nghi lễ một khoảng thời gian nhất định; trong thời gian làm lễ kiêng không ăn thịt trâu, thịt chó; phải giữ sạch sẽ trang phục…).

Trong lễ cấp sắc có rất nhiều nghi thức được thực hiện tuần tự từng bước, mỗi nghi thức có những nội dung, ý nghĩa khác nhau và có một thầy đảm nhiệm. Trong đó, phần quan trọng nhất của lễ cấp sắc là nghi lễ cấp đèn, binh mã và ấn tín. Phần này thường nằm ở khoảng giữa của nghi lễ. Lễ lên đèn cấp sắc cơ bản nhất được biểu trưng bằng một một vật hình trụ, trên vật có các nhánh để đặt đèn. Trong quá trình cấp sắc chính thức, người thụ lễ (đệ tử) sẽ được ngồi lên ghế có dán giấy đỏ thể hiện có vị trí. Những chiếc đèn với dụng ý soi sáng cho cơ thể, tẩy rửa tất cả các tội lỗi để trở thành người tốt. Vị trí đèn được đặt đúng theo quy định, thể hiện vị trí cao thấp khác nhau của người thụ lễ. Khi thắp đèn xong các thầy sẽ đọc các bài văn khấn và đi vòng quanh các đệ tử, trong quá trình này coi như các đệ tử dần dần được truyền bùa phép. Đến khi các đệ tử được truyền bùa phép hết và được phân binh tướng thì người thụ lễ mới thật sự trưởng thành, có vị trí trong xã hội.

Ông Triệu Quý Thăng ở thôn Khuổi Hóp, xã Như Cố (Chợ Mới) cho biết: Trước đây, mỗi lần tổ chức nghi lễ cấp sắc thường kéo dài 6 ngày, 5 đêm. Ngày nay, được rút xuống còn 3 ngày. Nghi lễ này có ý nghĩa giáo dục cho lớp người sau không được quên tổ tiên, phải sống lương thiện. Bởi, trong lễ cấp sắc thầy cúng đã cung cấp cho người thụ lễ một hoặc hai đạo sắc. Trong đó, có 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Nội dung giáo huấn được thể hiện trong các đạo sắc đều hướng con người đến cái thiện (Biết ơn cha mẹ, thuỷ chung trong quan hệ vợ chồng, tôn trọng bạn bè, anh em, không dâm ô, trộm cắp…). Tất cả đều được linh thiêng hoá và nó đã trở thành như những giá trị đạo đức mà mỗi con người phải gìn giữ, phấn đấu vươn tới. Nội dung của nghi lễ thể hiện những khát khao, mơ ước của con người về một thế giới tươi đẹp, mỗi người đều có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn, trong đó có nghi lễ cấp sắc của động bào dân tộc Dao. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ cấp sắc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đã tổ chức các buổi ghi âm, ghi hình, sưu tầm và bảo tồn các công cụ, tài liệu liên quan đến nghi lễ cấp sắc, viết sách và lập hồ sơ khoa học chi tiết về nghi lễ này. Đồng thời, có sự định hướng, tác động nhằm loại bỏ những yếu tố rườm rà, chỉ chọn lọc những yếu tố có giá trị văn hóa, tính nhân văn để phát huy trong đời sống.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm