Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sáng 26/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Trước khi tiến hành thảo luận, các ĐBQH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 chương, 86 điều, bổ sung 07 điều, bỏ 04 điều, tăng 03 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ý kiến các ĐBQH tập trung vào các nội dung như: Đề nghị quan tâm tới quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; làm rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt, gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh quốc gia; thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.

Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giải pháp phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt…

Đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trước khi Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Chương trình kỳ họp, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 25/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024./.

Xem thêm