Anh Hoàng Văn Luân, HTX Trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu với các sản phẩm cao chiết xuất từ thảo dược. |
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng cao, cuộc sống vô cùng khó khăn... là động lực để anh Hoàng Văn Luân ở thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang (huyện Na Rì) quyết tâm thoát ly. Ước mơ muốn thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người đã trở thành hiện thực khi anh thi đỗ vào Trường Trung cấp Y học cổ truyền. Ra trường, anh về làm việc tại thành phố Bắc Kạn, tuy nhiên đồng lương lúc bấy giờ eo hẹp không đủ trang trải cuộc sống. Sau nhiều lần trăn trở, anh đã quyết định rời công việc nhà nước để về quê lập nghiệp.
Với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác, anh Luân nhận thấy nhu cầu sử dụng thuốc Đông y rất lớn mà nguồn nguyên liệu thì lại khan hiếm. Trong khi đó, rất nhiều cây dược liệu có trong tự nhiên lại bị bỏ ngỏ, thậm chí bị chặt phá.
Nhiều câu hỏi đặt ra, sao mình không cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở Đông y, ngành Dược khi đất đai ở quê còn dồi dào, thích hợp với rất nhiều cây thuốc. Vậy là ý tưởng trồng cây dược liệu của anh Luân bắt đầu từ đây. Anh may mắn được GS-TS. Trần Văn Ơn, Trưởng khoa Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội định hướng về loại cây dược liệu thích hợp trồng ở Bắc Kạn, đồng thời hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cách làm để tạo ra vùng sản xuất.
Vườn cây dược liệu khôi nhung tía của HTX Trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu trồng dưới tán rừng đang phát triển rất tốt. |
Anh Hoàng Văn Luân bắt đầu đi vận động người dân cùng liên kết thực hiện ý tưởng. Ban đầu việc thuyết phục khá khó khăn vì người dân chưa thực sự tin tưởng vào cách làm. Song với sự kiên trì bền bỉ của anh Luân, một số hộ đã làm theo. Đến năm 2014, anh thành lập HTX Trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, tận dụng toàn bộ đất vườn, đồi của gia đình và liên kết với các hộ dân trồng cây cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen... để cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược.
Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ thụ hưởng hỗ trợ từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, anh Luân bắt tay vào chế biến sâu, sử dụng, thu mua nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm dưới dạng cao cô đặc. Hiện HTX có các sản phẩm cao gồm: Cao cà gai leo, cao gắm, hà thủ ô, xạ đen… trong đó một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đến nay, HTX đã liên kết với 20 hộ dân ở các xã Văn Lang, Sơn Thành, Trần Phú, Cư Lễ…trồng được hơn 10ha cây dược liệu. Doanh thu năm 2022 của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng, nguồn thu ổn định từ bán các sản phẩm dược liệu đã giúp cho gia đình anh Luân có cuộc sống khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang. Năm 2022, sản phẩm cao cà gai leo và trà túi lọc cà gai leo của HTX được UBND tỉnh Bắc Kạn chứng nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Tất cả những thành quả đó chứng minh con đường phát triển kinh tế từ cây dược liệu của chàng trai dân tộc Tày Hoàng Văn Luân là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2023, anh tiếp tục được tỉnh hỗ trợ xây dựng mở rộng nhà xưởng. Công trình đang trong quá trình thi công, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy quy mô sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu.
Vùng nguyên liệu cây nghệ nếp của HTX Nông nghiệp Tân Thành tại xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn. |
Dù không sinh ra ở Bắc Kạn nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) lại bén duyên với mảnh đất nhiều đồi và núi Tân Thành. Trải qua quá trình khởi nghiệp nhiều khó khăn, chị đã thành công khi đưa cây nghệ nếp Bắc Kạn thành sản phẩm có giá trị, lan tỏa trên thị trường cả nước. Từ quy mô nhỏ, sau 5 năm hoạt động, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 130ha, liên kết với 400 hộ dân ở thành phố Bắc Kạn và các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới…
Hiện nay HTX cung cấp, tiêu thụ đa dạng các sản phẩm dưới dạng nghệ như: Nghệ thái lát, bột nghệ, viên nghệ, tinh nghệ… đầu ra cung cấp cho các nhà máy chế biến dược liệu, nhà phân phối, người tiêu dùng trong cả nước. Năm 2022 doanh thu của HTX Nông nghiệp Tân Thành đạt hơn 10 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy ngành kinh tế nông nghiệp tăng trưởng. Năm 2023, vùng nguyên liệu nghệ của HTX đã được cấp mã số vùng trồng. Nhờ năng động, chịu khó, gia đình chị Minh đã có cuộc sống khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành (người thứ 2 từ phải sang) giới thiệu cây nghệ nếp tới đoàn khách Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tới thăm mô hình trồng nghệ. |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn nhiều cá nhân tiêu biểu trong đầu tư, phát triển thành công các sản phẩm dược liệu gắn với vùng trồng như: Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà với các sản phẩm từ nghệ; HTX Hương Ngàn với sản phẩm tinh dầu sả, quýt, quế; HTX Thiên An với các sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, phụ nữ sau sinh, thảo dược ngâm chân; Công ty TNHH Hà Diệp với sản phẩm trà hoa vàng… đã tạo ra giá trị cho cộng đồng, từng bước đưa cây dược liệu của Bắc Kạn phát triển theo hướng bền vững./.
(Còn nữa)