Dương Khâu Luông - thơ thiếu nhi là ký ức tuổi thơ

BBK - Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Dương Khâu Luông- nhà thơ đến từ Bản Hon, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, người đọc có thể cảm nhận rõ đằng sau từng câu chữ, từng hình ảnh chính là những bài học giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Dương Khâu Luông là một trong số ít nhà thơ dân tộc thiểu số miền núi viết cho thiếu nhi. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, ông đã có những bài thơ được đăng trên báo, tạp chí. Sau khi đi học đại học, ra trường trở thành thầy giáo, ông có thêm nhiều sáng tác về đề tài thiếu nhi.

Thêm tiêu đề phụ.jpg
Nhà thơ Dương Khâu Luông.

Năm 2001, ông được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cử đi dự trại sáng tác của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Sau 1 tháng, Dương Khâu Luông đã hoàn thành tập thơ đầu tay có tên “Gọi bò về chuồng”, tập thơ sau đó đã được xuất bản và đạt giải B (không có giải A) của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là nguồn động viên lớn đối với bản thân nhà thơ, tên tuổi ông đã dần trở nên quen thuộc đối với các bạn đọc nhỏ tuổi, nhất là ở miền núi. Từ đó đến nay, nhà thơ tiếp tục sáng tác và xuất bản 5 tập thơ viết về thiếu nhi.

Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể - nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên đã trở thành mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng tâm hồn thơ ông. Nơi ấy, gắn với bao ký ức tuổi thơ, đó là những lần đi chăn bò, lấy củi, bẫy cá…, nơi có cỏ cây, hoa lá và những con vật gần gũi, đáng yêu. Theo nhà thơ, sáng tác thơ cho thiếu nhi là công việc khó, đòi hỏi tác giả phải làm cho tác phẩm mang tính hồn nhiên của tuổi thơ, do vậy cần phải hóa thân vào chính lứa tuổi ấy.

Thêm tiêu đề phụ.jpg

Nội dung thơ thiếu nhi của Dương Khâu Luông thường viết về những điều gần gũi, giản dị, gắn với hiện thực đời sống và những ký ức tuổi thơ ông đã trải qua. Theo nhà thơ, điều quan trọng là người sáng tác phải biết cách phát hiện. Bài thơ “Núi chơi bóng” sử dụng những hình ảnh gần gũi, ai đọc cũng có thể hiểu được. Qua đây, nhà thơ muốn nói với các em thiếu nhi và cả những người đọc lớn tuổi về giá trị của thời gian, hãy quý trọng thời gian:

"Mặt trời làm quả bóng

Hai bạn núi cùng chơi

Bạn núi đằng Đông đá

Quả bóng bay lên trời

Mới được một đường bóng

Ngày hết veo mất rồi

Núi phía Tây đem cất

Đợi đến mai lại chơi"

Đọc thơ ông, ta có thể gặp nhiều hình ảnh về thế giới các loài cây, con vật. Tập thơ song ngữ (Tày – Việt) “Co nghịu hưa cần” (Cây gạo giúp người), Dương Khâu Luông muốn truyền tải nhiều thông điệp tới thiếu nhi. Hình ảnh cây gạo được nhà thơ nhắc tới không gợi về sự lãng mạn hay triết lý sâu xa mà vì “Biết làm ra bông trắng giúp người”:

"Cây gạo vui thả bông theo gió

Trẻ con đeo túi nải đi nhặt

Để mùa rét mẹ làm chăn

Từ rừng cây gạo về đây mọc

Biết làm ra bông trắng giúp người"

Trong bài thơ “Hươu và khỉ”, chú hươu chăm chỉ hái quả rừng, trân trọng, nâng niu những quả mình hái được. Khỉ con cậy giỏi leo trèo hái được nhiều quả mà vội “ném vèo”. Bài thơ ngụ ý giáo dục trẻ em cần biết quý trọng thành quả của lao động, không nên lãng phí đồ ăn.

"Hươu chăm hái quả

Nhưng chẳng biết trèo

Quả rừng nhiều đấy

Nhưng ở trên cao

Mỗi lần hái quả

Hươu thấy khó sao

Quả nào hái được

Hươu cũng nâng niu

Gặp được quả ngon

Một lần là nhớ

Đâu như chú khỉ

Cậy giỏi leo trèo

Quả ăn chưa hết

Đã vội ném vèo

Vị ngon hay dở

Cũng đều quên theo"

Thơ ông cũng thể hiện tình cảm với người bà vất vả, lam lũ:

"Nhìn vai áo bạc

Cháu thương bà hơn"

(Cái áo của bà)

Qua bài thơ “Bẫy cá”, nhà thơ giáo dục các em thiếu nhi biết yêu lao động, giúp đỡ cha mẹ.

"Lấy mai chẻ lạt

Đan đó bẫy cá

Mồi ít cám thơm

Để gọi cá vào.

Một con vào đó

Hai con vào đó

Ba con vào đó…

Vui sao bẫy cá

Giỏ đầy mẹ khen"

Ý nghĩa giáo dục từ thơ ông không hề cứng nhắc, khô khan hay triết lý mà vô cùng gần gũi, nhẹ nhàng thông qua hình tượng nghệ thuật sinh động. Từng câu chữ, hình ảnh thơ giúp bạn đọc nhỏ tuổi am hiểu thêm những tri thức về tự nhiên, đời sống văn hóa dân tộc miền núi, thêm yêu làng bản, yêu quê hương, dân tộc mình. Nhiều bài thơ của Dương Khâu Luông được các trường mầm non, tiểu học trên cả nước đưa vào giảng dạy; được nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên tìm đến để nghiên cứu, tìm hiểu.

Thơ thiếu nhi của ông không chỉ phong phú về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật. Nhà thơ Dương Khâu Luông chia sẻ, để phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, ông thường sử dụng thể đồng dao, vì đây là thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ và mang sự hồn nhiên:

"Về đi bò ơi

Cho chuồng khỏi trống

Về đi cho ấm

Chớ ngủ trong rừng"

(Gọi bò về chuồng)

Ngoài ra, nhà thơ sử dụng thể thơ tự do, song vẫn có vần có điệu, dễ thuộc, dễ nhớ. Thể thơ lục bát cũng được nhà thơ sử dụng trong nhiều tác phẩm, được người đọc yêu thích.

"Mùa xuân gọi dậy chồi non

Gọi bông hoa nở xoe tròn trên cây

Gọi cơn nắng ấm tràn đầy

Gọi con sáo vỗ cánh bay tìm đàn

Gọi cho con én bay sang

Gọi cơn gió thoảng mơ màng tiếng xuân".

(Bài thơ “Mùa xuân”)

z5506309805285_7a75917a75c39518719c864513d70e42.jpg

Nội dung trong các sáng tác về đề tài thiếu nhi của nhà thơ Dương Khâu Luông luôn bám sát với hiện thực đời sống, bản làng miền núi, chính những điều giản dị này giúp độc giả không chỉ là thiếu nhi mà cả người lớn đều có thể hiểu và cảm nhận khi đọc thơ của ông. Bên cạnh đó, những bài thơ sáng tác cho thiếu nhi của nhà thơ còn mang tính giáo dục rất cao, nhà thơ luôn muốn thông qua các tác phẩm giáo dục cho trẻ em một tâm hồn, nhân cách trong sáng, biết hướng về nguồn cội của dân tộc, quê hương.

Những sáng tác của nhà thơ Dương Khâu Luông không theo một quy tắc cụ thể, tất cả đều linh động, linh hoạt và mềm mại trong việc lựa chọn phương thức và thể loại sáng tác. Có lẽ chính những điều này đã góp phần giúp cho những sáng tác của nhà thơ có được thành công như ngày hôm nay.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bản sắc văn hóa, ngôn ngữ dân tộc dần có nguy cơ bị mai một, vì vậy, trong các sáng tác, ông luôn quan tâm tới việc duy trì và bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc mình. Ngoài sáng tác bằng tiếng Việt, nhà thơ còn sáng tác bằng tiếng Tày và có nhiều bài thơ song ngữ Tày – Việt. Trong 5 tập thơ viết cho thiếu nhi của ông có 1 tập thơ viết bằng song ngữ Tày - Việt. Điều đó thể hiện tình yêu sâu sắc với tiếng mẹ đẻ của ông và mong muốn lan tỏa tình yêu đó đến thế hệ trẻ.

Với những nỗ lực của mình, nhà thơ Dương Khâu Luông đã đạt được những thành công nhất định trong các sáng tác về thiếu nhi, đóng góp đáng quý cho mảng văn học thiếu nhi miền núi. “Đọc thơ ông, ta thấy mát lành như vừa lội qua một con suối trong buổi sáng sớm còn đầy tơ nhện giăng. Váng vất đâu đó là hương hoa rừng cùng với mùi sương non và cả mùi lá mục, cỏ dại. Sức hấp dẫn của thơ Dương Khâu Luông đối với ta là thế. Và đó cũng là đóng góp của ông trong mảng văn học dành cho các em thiếu nhi ở vùng cao.” (Trần Đăng Khoa).../.

Xem thêm