Giao dịch thanh toán điện tử - thói quen mới của người dân nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Giao dịch thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên quen thuộc, len lỏi vào đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn. Đây chính là một trong những bước tiến mới của cộng đồng để bắt nhịp với xu thế của thời đại số.
Thực hiện mô hình "Chợ 4.0", Đoàn thanh niên phường Nguyễn Thị Minh Khai hỗ trợ tiểu thương sử dụng mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện mô hình "Chợ 4.0", Đoàn thanh niên phường Nguyễn Thị Minh Khai hỗ trợ tiểu thương sử dụng mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt.

Mấy người bạn lâu ngày không gặp, nay tình cờ hội ngộ tại một quán ăn sáng. Ăn xong, ai cũng sốt sắng tranh trả tiền. Trong khi chủ quán bối rối chưa biết nên nhận tiền từ ai, thì một anh đã lẳng lặng quét mã QR dán ngoài tủ kính và giơ màn hình về phía trước “xong nhé bà chủ!”.

Bà Triệu Thị Gấm, tiểu thương buôn bán hoa quả tại chợ Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn cho hay: “Ban đầu thanh toán qua tài khoản tôi thấy rất khó khăn. Nhưng đến nay quen rồi lại thấy thích, vì giao dịch điện tử có quá nhiều tiện lợi. Nhập hàng, bán hàng, ship hàng… đều thanh toán qua chuyển khoản, tôi đỡ mất công đi lại, không cần phải gặp mặt trực tiếp vẫn bán được hàng. Thậm chí nhiều khi khách đến quầy, không thấy chủ ở đó chỉ cần gọi điện hỏi giá, tự cân, tự chuyển khoản theo mã QR đặt tại quầy. Đúng là hay và thuận lợi đủ đường!”.

Đoàn thanh niên phường Nguyễn Thị Minh Khai hỗ trợ gắn mã QR cho tiểu thương.

Đoàn thanh niên phường Nguyễn Thị Minh Khai hỗ trợ gắn mã QR cho tiểu thương.

Được biết, nhân viên các ngân hàng thường xuyên tới các chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn... để vận động tiểu thương mở tài khoản. Đoàn thanh niên phường cũng tích cực đến hướng dẫn cài đặt app, làm tặng bảng mã QR… Bởi vậy đến nay khoảng 80% tiểu thương tại chợ Nguyễn Thị Minh Khai đã sử dụng thành thạo giao dịch thanh toán qua mạng.

Tại chợ Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, chị Vũ Thị Duyên, chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Đức Xuân rất tâm đắc với sự tiện lợi của việc thanh toán điện tử, nhất là không còn nỗi lo tiền giả:

Chị Vũ Thị Duyên, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Út Bằng tại chợ Đức Xuân cho biết, rất nhiều khách ưa chuộng hình thức thanh toán điện tử khi mua hàng.

Kể cả mua cá thịt, hoa quả, hay chỉ mua 3 bông hoa, mớ rau 10.000 đồng… nhiều người dân cũng đã có thói quen chuyển khoản. Các tiểu thương các chợ tại thành phố Bắc Kạn đa số sở hữu đều một vài tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, tiện cho việc thanh toán, giao dịch.

Một số tiểu thương bán rau tại chợ Đức Xuân nhận xét: Thời gian đầu chúng tôi không thích nhận tiền qua tài khoản vì ít quá không bõ giao dịch. Nhưng trước nhu cầu của nhiều người mua, bên bán phải mở tài khoản để nhận tiền, không ngờ càng làm theo càng thấy tiện lợi…

Nhiều tiểu thương tại các chợ đều chấp nhận khách thanh toán qua thẻ, kể cả hàng rau xanh mỗi mã chỉ vài nghìn đồng.

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên, Thành đoàn Bắc Kạn đã tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, trao tặng 158 mã QR cho các tiểu thương trên địa bàn phường Nguyễn Thị Minh Khai, xã Nông Thượng. Ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Bắc Kạn về việc phối hợp mở tài khoản miễn phí và tặng mã QR-CODE cho các hộ kinh doanh, học sinh, người dân trên địa bàn thành phố. Hiện Thành đoàn đang triển khai phối hợp với Viettel hỗ trợ cài đặt ví điện tử Viettel Money cho người dân, phấn đấu đạt từ 400 tài khoản trở lên.

Theo ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Hưởng ứng việc thanh toán điện tử, các ngành điện, y tế, giáo dục của tỉnh đã đi đầu trong việc thanh toán tiền điện, học phí, viện phí qua tài khoản.

Ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử.

Từ cuối năm 2022, tỉnh Bắc Kạn thí điểm triển khai mô hình Chợ 4.0 (chợ thanh toán không dùng tiền mặt) tại 12 chợ trên địa bàn. Đồng hành cùng chương trình này có các ngân hàng và nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, VNPT...

Là một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình, đến hết ngày 15/8/2023, Viettel Bắc Kạn hoàn thành triển khai "Chợ 4.0" - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa điểm như: Chợ Đức Xuân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn); chợ Quảng Bạch, Bình Trung (huyện Chợ Đồn); Chợ thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới), chợ Côn Minh (huyện Na Rì), chợ Phủ thông (huyện Bạch Thông)...

Nhân viên Viettel giới thiệu về dịch vụ ViettelMoney và mã QR tới các tiểu thương.

Nhân viên Viettel giới thiệu về dịch vụ ViettelMoney và mã QR tới các tiểu thương.

Chỉ tiêu của tỉnh đặt ra trong năm 2022 là tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giáo dục tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác là 50%, kết quả thực hiện đạt 51%. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác…

Tính đến hết năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã có 141.152 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với 158.561 tài khoản được mở; số lượng thẻ thanh toán được mở là 178.120 thẻ; giá trị giao dịch thanh toán qua tài khoản đạt 12.482 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Bắc Kạn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần giúp tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển nền thương mại, dịch vụ hiện đại và năng động./.

Xem thêm