Ngày 19/4/2024, tại UBND phường Nguyễn Thị Minh Khai, Toà án nhân dân thành phố Bắc Kạn tổ chức phiên tòa xét xử lưu động 03 vụ án hình sự sơ thẩm, gồm 02 vụ “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và 01 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa xét xử lưu động diễn ra thành công, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bản án của Tòa án tuyên đúng người, đúng tội với hình phạt nghiêm khắc có tác dụng cảnh tỉnh cho những người phạm tội và răn đe những ai có ý định coi thường pháp luật. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã chủ động phổ biến các quy định của pháp luật hình sự, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn nguyên nhân, thủ đoạn phạm tội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Xét xử lưu động là hình thức xét xử công khai, mọi thành phần công dân đều có thể tham gia phiên tòa để theo dõi phiên xét xử của Tòa án. Qua đó thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục về pháp luật hình sự đến với người dân một cách gần gũi và hiệu quả nhất.
Ông Lương Văn Cường, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn: Xét xử lưu động là hình thức xét xử trực tiếp, công khai ngoài Tòa án, mang tính chất trực quan, sinh động, có tác dụng răn đe, phòng ngừa, giáo dục để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Những vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường liên quan đến những vấn đề nổi cộm tại địa phương, hành vi vi phạm tương đối phổ biến như: Ma túy, trộm cắp, cướp, giết người, hủy hoại rừng…, tùy tính chất của vụ án mà lựa chọn hình thức này.
Việc xét xử lưu động vụ án hình sự có ý nghĩa răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến rộng rãi với người dân. Tuy nhiên, việc xét xử lưu động cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực như: Phiên tòa lưu động gây ra áp lực rất lớn đối với người phạm tội, do đó họ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi phải chấp hành án. Việc xét xử công khai giữa hàng trăm, hàng nghìn người cũng gây nên tâm lý hoang mang, xấu hổ đối với người thân của người phạm tội. Khi xét xử lưu động đôi khi rất khó đảm bảo an ninh, trật tự của nơi diễn ra phiên tòa, nhất là từ những đám đông quá khích...
Do vậy, thông thường, các vụ án được xét xử lưu động là vụ án về hình sự, liên quan đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn có tình hình tội phạm phức tạp hoặc tại những nơi người dân có trình độ nhận thức pháp luật chưa cao. Các vụ án hình sự với tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thường thu hút được nhiều người quan tâm nên tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật của phiên tòa sẽ mang tính bao trùm, rộng rãi.
Với việc đưa những quy định của pháp luật hình sự để người dân tiếp cận một cách chủ động, trực tiếp, hình thức xét xử lưu động có ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả cho người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn này không những mang tính răn đe tội phạm, mà còn tạo niềm tin vào luật pháp, trực tiếp giáo dục kiến thức pháp luật, giúp người dân nhận biết các hành vi vi phạm pháp luật và hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, từ đó hạn chế tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương./.
Lê Trang