Ghi chép của Bích Phượng
“Có những buổi chiều yên bình đến lạ, bộ đội có dịp được nhìn ra khoảng sân nhập nhoạng thấy khói bếp bốc lên từ những căn bếp nhỏ, trẻ thơ chạy nhảy, tiếng bà con nói chuyện râm ran… chúng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc đơn sơ, nhỏ bé ấy rồi đưa mắt nhìn nhau tự nhủ “Sau này hòa bình, Tổ quốc ta sẽ mãi đẹp như thế”… Chỉ tiếc rằng, có quá nhiều đồng đội không được thấy ngày giấc mơ đã thành sự thật.” Đó là chia sẻ của Thương binh Nguyễn Xuân Đồng- người lính đặc công đã từng vào sinh ra tử ở Trường Sơn.
Thương binh Nguyễn Xuân Đồng- Người có công với cách mạng tiêu biểu được Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tặng Giấy khen năm 2017. |
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Xuân Đồng vào một ngày nắng đẹp của tháng 7 ý nghĩa. Đón chúng tôi là cụ ông nhỏ bé với mái tóc và khuôn mặt đã trải qua nhiều sương gió. Thấy chúng tôi, ông cười tươi, cất giọng trầm ấm hỏi han rồi nhanh chóng rót ra những chén chè xanh bằng tay trái lành lặn. Thương binh Nguyễn Xuân Đồng năm nay đã 80 tuổi, ký ức chiến tranh đối với ông luôn tràn ngập hình ảnh những người đồng đội: “Đó là những người anh, em thân thiết như gia đình với tôi, chúng tôi chia nhau từng ngụm nước, động viên nhau kiên cường chiến đấu, cùng nhau mơ về giấc mơ đất nước bình yên. Tôi may mắn được ở đây, để thấy đất nước ngày càng phát triển, còn nhiều đồng chí của mình thì…”. Ông nghẹn lại, đưa tay nhanh lên mắt rồi tiếp tục hồi tưởng. Càng chia sẻ, ông càng xúc động mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm được khắc sâu trong tim.
Thương binh Nguyễn Xuân Đồng sinh năm 1940, ở thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn). Gia đình ông có tám anh chị em, trong đó, cả bốn người con trai đều đi bộ đội. Ông Đồng khi vừa tròn 18 tuổi, đang làm cán bộ Thủy văn thì viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.
“Ngay khi vào quân đội, tôi được huấn luyện và bắt đầu hành quân vào chiến trường Miền Nam. Hành quân theo đường rừng gần 6 tháng trời ròng rã, trên vai mỗi người một ba lô nặng 30kg. Nhưng điều đó cũng không đáng sợ bằng không khí ẩm ướt và nỗi ám ảnh kinh hoàng về “vắt”. Ban đầu còn tìm chỗ khô, nhưng sau đó thì mặc kệ, ướt cũng ngồi, bỏ tất ra vắt bám đen ngòm, chân ai nấy đều ngứa râm ran, dai dẳng. Đêm đêm chúng tôi buộc võng nằm ngủ, có tiếng động lập tức lăn xuống cái hố mới đào ngay phía dưới… Lúc ấy sao mà thấy căm giận lũ cướp nước, chỉ mong mau chóng vào chiến trường mà cầm súng chiến đấu”- ông Đồng nhớ lại.
Đến Trường Sơn, ông được phân công là chính trị viên của một đại đội. Cùng với công tác tuyên truyền, ổn định chính trị tư tưởng cho đồng đội, ông còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong hồi ức của ông, sự tàn khốc và nghiệt ngã của chiến tranh ít được nhắc đến. Ông nhớ nhiều về những năm tháng được Nhân dân che chở. Với đặc thù lính đặc công, ông và đồng đội chủ yếu sinh sống cùng Nhân dân. Họ yêu quý, bảo vệ bộ đội như người thân, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo và kiên quyết không khai khi bị tra hỏi. Nhờ tình cảm ấm áp đó, những người lính càng thêm quyết tâm chiến đấu hết mình để bảo vệ đồng bào, dân tộc.
Đưa mắt nhìn cánh tay phải đã mất, ánh mắt người thương binh già trở nên xót xa hơn: Năm 1974, trong một lần tập trung ra trận thì đơn vị tôi bị địch tấn công bằng pháo. Chúng tôi bị hất tung lên, tôi nằm nhìn lên khoảng không trước mặt, bầu trời cứ mờ dần, lúc ấy nghĩ rằng mình đã nằm lại đây mãi mãi. Tôi nhớ về bố mẹ, về người vợ và đứa con gái bé bỏng… Vậy mà khi tỉnh dậy tôi thấy mình đã được băng bó khắp người, tôi hỏi các y tá về 14 đồng đội còn lại, họ im lặng và lắc đầu. Những người anh, em của tôi đã nằm xuống như thế, có người còn chưa lập gia đình, cũng có người như tôi có mẹ già, con thơ đang trông ngóng. Sau khi hồi phục và trở về đại đội, mọi người cứ nghĩ rằng tôi không còn sống vì hiện trường lúc ấy quá hỗn loạn. Sau 2 năm tiếp tục là chính trị viên, năm 1976 tôi ra quân trở về quê hương.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liên cũng là một thanh niên xung phong móm mém cười đầy tự hào khi kể: Trước hôm ông đi bộ đội, ông dặn tôi ở nhà chăm lo việc gia đình, nuôi con khôn lớn, giọng ông chắc chắn: “Tôi đi lần này “Sống thì đỏ ngực, chết thì cỏ xanh”, tôi sẽ không bao giờ bỏ trốn hay lùi bước”. Ngày ông trở về với cánh tay phải không còn, tôi vừa mừng vừa lo. Thế mà chỉ với 1 cánh tay, ông cày, bừa, đào ao… là trụ cột vững chắc cho cả nhà. Cũng có lần ông kể những lần bị lạc trong rừng 7 ngày chỉ ăn rau cỏ, rồi nhiều trận đánh nguy hiểm kề cận, nhưng chưa bao giờ ông hối hận vì đã đi chiến đấu.
Tạm biệt người thương binh 50 tuổi Đảng Nguyễn Xuân Đồng, chúng tôi sẽ không bao giờ quên những lời dặn dò của ông: Tôi và đồng đội đã cống hiến tuổi xuân, xương máu và cả tính mạng cho dân tộc. Đất nước ngày càng phát triển như hiện tại là giấc mơ của những người chiến sĩ thời ấy. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay cũng sẽ đem hết tâm sức để giữ gìn nền độc lập, tự do…/.