Khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm làm gia tăng bệnh tật cho con người

BBK - Tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu đang diễn ra, kết hợp với ô nhiễm và mất môi trường sống đang làm gia tăng gánh nặng bệnh tật cho con người, đặc biệt là ở miền Nam bán cầu.
Những thảm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt, có thể dẫn đến nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe con người. (Ảnh: UNICEF)

Những thảm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt, có thể dẫn đến nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe con người. (Ảnh: UNICEF)

Đây là cảnh báo do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong phiên họp thứ 6 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-6) đang diễn ra tại thủ đô Nairobi (Kenya), ngày 29/02. Theo quan điểm của ông Tedros, sức khỏe của cộng đồng đang giảm sút trước cuộc khủng hoảng sinh thái ngày càng gia tăng hiện nay.

UNEA đóng vai trò là cơ quan ra quyết định cao nhất thế giới về môi trường và nhằm mục đích giúp khôi phục sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Phiên họp thứ 6 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-6) đã kết thúc vào ngày 29/02, cùng sự tham gia của đại diện đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới để đàm phán về nhiều vấn đề, từ giải pháp dựa vào thiên nhiên và thuốc trừ sâu có độ nguy hiểm cao đến suy thoái đất và hạn hán.

Trọng tâm của các đại biểu tham dự sự kiện này cũng là các Hiệp định môi trường đa phương (MEA). Các hiệp định khu vực và quốc tế này, trong đó có một số hiệp định có tuổi đời hơn 50 năm, đã giúp bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và hạn chế ô nhiễm hóa chất cùng nhiều mối lo ngại khác.

Ngoài việc khẳng định rằng sức khỏe của con người, động vật và môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau, ông Tedros chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng chồng chéo mà thế giới đang phải đối mặt gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang đe dọa những thành quả đạt được trong việc ngăn chặn những căn bệnh chết người.

“Sức khỏe con người đang bị ảnh hưởng khi sức khỏe của hành tinh mà chúng ta sinh sống đang gặp nguy hiểm. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn không chỉ gây ra thương vong cho con người mà còn gây thiệt hại cho các cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác” – ông Tedros nói.

Tổng Giám đốc WHO lưu ý rằng nhân loại đang phải trả giá đắt từ không khí và nguồn nước bị ô nhiễm, với bằng chứng là sự gia tăng các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, hen suyễn, sỏi thận và tim mạch.

Cần đẩy nhanh việc thực hiện các khuyến nghị về môi trường

Không chỉ trên bề mặt trái đất, tình trạng ô nhiễm cũng đang gia tăng ở các đại dương. (Ảnh: Ocean Image Bank/Naja Bertolt)

Không chỉ trên bề mặt trái đất, tình trạng ô nhiễm cũng đang gia tăng ở các đại dương. (Ảnh: Ocean Image Bank/Naja Bertolt)

Theo ông Tedros, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra những thay đổi trong hành vi, sự phân bổ và di chuyển của muỗi, chim cùng các loài mang mầm bệnh khác, làm gia tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và sốt xuất huyết sang các khu vực mới.

Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nếu không được khống chế hiệu quả, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người, vốn đang nổi lên như những rủi ro hàng đầu về an ninh y tế công cộng.

Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe đã trở thành chủ đề trọng tâm trong cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 được tổ chức tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào tháng 11 và 12/2023.

Theo quan điểm của ông Tedros, các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu diễn ra vào năm ngoái đã tái khẳng định tính cấp thiết của việc tiếp thêm sinh lực cho các hành động về khí hậu thông qua giảm thiểu và thích ứng để đảm bảo một tương lai lành mạnh và kiên cường hơn cho nhân loại.

Ông Tedros cho biết, đến nay, WHO đã hợp tác với các quốc gia thành viên để đẩy nhanh việc thực hiện các khuyến nghị tập trung vào khía cạnh môi trường, bao gồm chất lượng không khí, nước sạch và dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, quan chức hàng đầu của WHO cũng nhấn mạnh tính cấp bách của các hành động đa phương để chấm dứt ô nhiễm nhựa, chuyển đổi hệ thống thực phẩm và ngăn chặn sự di chuyển của chất thải nguy hại nhằm tăng cường sức khỏe con người.

“Các mối đe dọa đối với sức khỏe từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học không phải là những rủi ro giả định trong tương lai. Chúng đã hiện hữu ngay đây và ngay lúc này, điều này khiến sức khỏe trở thành lý do thuyết phục nhất cho những hành động vì khí hậu” - ông Tedros nói.

Theo ông Tedros, việc chuyển đổi hệ thống giao thông và đảm bảo mục tiêu không phát thải trong các hoạt động giao thông sẽ là chìa khóa để giảm bớt gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm./.

Xem thêm