Ký ức về trận Công đồn Phủ Thông

Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng mang lại niềm tin, kinh nghiệm lớn cho bộ đội ta trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về chiến thắng Phủ Thông năm 1948 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu chiến binh.

Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng mang lại niềm tin, kinh nghiệm lớn cho bộ đội ta trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về chiến thắng Phủ Thông năm 1948 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu chiến binh.

Di tích lịch sử Quốc gia Đồn Phủ Thông.
Di tích lịch sử Quốc gia Đồn Phủ Thông.

Trận công kiên đầu tiên của quân đội ta

Dù tuổi đã ngoài 90, Trung tướng Trần Linh- nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Nguyên Chính trị viên trung đội, Tiểu đoàn Phủ Thông – Người trực tiếp tham gia trận Công đồn Phủ Thông vẫn nhớ như in không khí kháng chiến của quân và dân địa phương khi đó.

Trung Tướng Trần Linh kể: Ngày 7/10/1947, khoảng 800 lính Pháp nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn. Chỉ trong 02 ngày 7 - 8/10 chúng đã chiếm đóng, củng cố 5 cứ điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có đồn Phủ Thông. Sau thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947, giặc Pháp vẫn cố bám giữ lấy thị xã Bắc Kạn, nhằm chia cắt căn cứ địa Việt Bắc. Chúng ra sức củng cố và xây dựng đồn Phủ Thông thành một cứ điểm vững chắc, kiên cố để bảo vệ thị xã Bắc Kạn, kiểm soát tuyến đường số 03, đồng thời làm chỗ dựa cho lực lượng quân phỉ ở Chợ Rã, củng cố chính quyền tay sai ở khu vực này, gây khó khăn, trở ngại cho quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng căn cứ địa kháng chiến.

Bởi vậy, nhằm đánh bại kế hoạch chiếm đóng và bình định của thực dân Pháp, ta chủ trương mở chiến dịch Đường số 3 nhằm mụch đích bức địch rút khỏi Bắc Kạn và Đường số 3. Ban Chỉ huy chiến dịch chủ trương trong thời kỳ thứ nhất mở cuộc tổng công kích trên đường Cao Bằng - Bắc Kạn, tiêu diệt 2 cứ điểm Phủ Thông, Bằng Khẩu, phục kích tiêu diệt quân tiếp viện từ Bắc Kạn lên, làm chủ đường số 3. Từ năm 1947 đến năm 1948 quân ta đã 3 lần đánh vào đồn Phủ Thông. Sau 3 lần bị ta tập kích (30/11/1947, 20/02/1948 và 12/3/1948), ngày 25/7/1948 Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 308 do đồng chí Vũ Yên chỉ huy trực tấn công tiêu diệt đồng Phủ Thông. Các Tiểu đoàn 55 thuộc Trung đoàn 72 và Đại đội Chợ Rã đảm nhiệm chặn đánh địch tiếp viện từ Ngân Sơn, Nà Phặc xuống và Tiểu đoàn 54 thuộc Trung đoàn 308 phục kích đánh địch từ Bắc Kạn lên.

Theo kế hoạch ban đầu, đúng 19h, pháo binh mới bắt đầu bắn, nhưng để dễ quan sát và sửa phần tử bắn, đúng 18 giờ 45 phút, ngày 25 tháng 7 năm 1948, pháo binh ta bắt đầu bắn quả đạn đầu tiên mở màn trận đánh. Tiểu đoàn 11 chia làm 2 mũi tiến công vào đồn. Mũi thứ nhất do đại đội 245 đảm nhiệm, tấn công vào hướng cổng chính, bị địch tập trung hỏa lực bắn ra dữ dội. Ta tập trung súng cho mũi thứ hai, do đại đội 243 đảm nhiệm, tiến công ở phía bên phải, cắt hàng rào dây thép gai, phá các hàng rào tre, nứa, mở đường cho tổ xung kích bắc thang cho bộ đội vượt tường tiến công vào đồn.

Giữa ta và địch dành giật từng lô cốt, ta lần lượt chiếm các lô cốt công sự của chúng. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ. Ta đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch, trong đó có tên đồn trưởng và tên đồn phó, chiếm 3/4 đồn, phá hủy nặng hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn; thu được 5 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường, một số đạn, lựu đạn. Đến 23 giờ 30 phút ta rút khỏi đồn, trận tập kích lần 3 kết thúc.

Trong trận này, về phía ta có khoảng 100 đồng chí bị thương vong, trong đó có 43 đồng chí hy sinh. Tuy không làm chủ hoàn toàn đồn Phủ Thông, nhưng trận đánh đã tạo sức ép lớn khiến cho quân địch phải rời khỏi thị xã Bắc Kạn. Có thể nói đây là trận đánh công kiên bằng hỏa lực, quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên, tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn song trận đánh có ý nghĩa to lớn đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của quân đội ta về trình độ và khả năng tác chiến.

Chung dòng cảm xúc, cựu chiến binh Nguyễn Quân- 87 tuổi, ở tổ 10 B, phường Đức Xuân (Thành phố Bắc Kạn), là chiến sĩ của Tiểu đoàn 55 thuộc Trung đoàn bộ, Trung đoàn 72 – đơn vị được giao nhiệm vụ chặn đánh địch tiếp viện từ Nà Phặc, Ngân Sơn xuống và từ Bắc Kạn lên, trong trận cường tập đồn Phủ Thông vào ngày 25/7/1948, cho biết: Trận công đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948, Trung đoàn 72 được giao nhiệm vụ phối hợp với Đại đội Chợ Rã tổ chức hai điểm phục kích đánh chặn địch từ Nà Phặc xuống và từ Bắc Kạn lên. Sau 3 lần đánh vào đồn Phủ Thông, ta đã tiêu hao một lực lượng địch, thực hiện được một phần nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc. Trên mặt trận đường số 03, đây là trận đầu tiên quân địch bị diệt ngay tại sào huyệt, đòn trừng phạt này làm rung động cả hệ thống đồn bốt địch. Đồng thời trận đánh đã khẳng định khả năng tập kích, tiến công đồn của bộ đội và du kích ta trong những năm đầu kháng chiến; thể hiện quyết tâm, lòng dũng cảm, táo bạo của chiến sĩ ta. Chiến thắng này đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, du kích và nhân dân trong tỉnh Bắc Kạn, củng cố lòng tin yêu của đồng bào dân tộc trong tỉnh đối với Tiểu đoàn Phủ Thông, Trung đoàn 72, Đại đội Chợ Rã và Trung đội du kích thị xã.

Nối tiếp truyền thống

Chiến thắng Phủ Thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Với thắng lợi này, Tiểu đoàn Phủ Thông đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này.

Ông Lương Hữu Việt- nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phủ Thông - Trưởng Ban Liên lạc Tiểu đoàn Phủ Thông khẳng định: Chiến thắng Phủ Thông đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta, đã đóng góp những kinh nghiệm và mang lại một niềm tin mới cho quân đội. Với Tiểu đoàn, chiến thắng Phủ Thông đã hình thành nên một tinh thần và tác phong chiến đấu tốt đẹp, thể hiện cụ thể truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội. Là thế hệ chiến sĩ đi sau, được nối tiếp truyền thống các thế hệ đi trước của Tiểu đoàn Phủ Thông, ông Lương Hữu Việt rất vinh dự và tự hào khi tiếp tục được huấn luyện, phục vụ sẵn sàng chiến đấu tại Tiểu đoàn Phủ Thông. cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị giữ vững tư tưởng, học tập, rèn luyện, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

Hồng Tuyến – Việt Bắc

Xem thêm