Mặc dù đã được truyền thông rộng rãi, tuy nhiên trên địa bàn một số tỉnh, thành vẫn xảy ra tình trạng cá nhân vừa vi phạm luật giao thông vừa cản trở, chống người thi hành công vụ. Cá biệt có vụ việc khiến cán bộ chiến sĩ bị thương, gây hư hỏng phương tiện. Vậy hành vi vi phạm “lỗi chồng lỗi” có thể bị xử lý thế nào?
Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Ninh Văn Quang (Công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết lực lượng chức năng sau khi củng cố hồ sơ vụ việc có thể xem xét đề nghị xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân/tổ chức thực hiện hai lỗi như trên, thậm chí có trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 3 Chương I Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2013 quy định hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Xử phạt vi phạm hành chính: Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022) về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng (trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Theo luật gia Ninh Văn Quang, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả… của hành vi vi phạm luật giao thông (tốc độ, làn vạch, có nồng độ cồn trong hơi thở/máu…) mà cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đối với về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ, Khoản 2 Điều 21 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Tiếp đó, Khoản 3 Điều 21 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu rõ phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
Truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 330 Chương XXII Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015) nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Nếu hành vi cản trở, chống đối gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 134 Chương XIV Bộ luật Hình sự 2015).
Thậm chí, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Do đó, để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng, hỗ trợ lực lượng CSGT trong thực thi nhiệm vụ của người dân.
Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật đi đôi với đánh giá, nghiên cứu và quyết định các hình thức, biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn./.