Măng khô Mai Lạp

Tổ hợp tác chế biến măng khô của Hội phụ nữ xã Mai Lạp (Chợ Mới), đang vào mùa, những giàn phơi chứa đầy ắp những lớp măng vàng ươm. Dưới cái nắng không quá gay gắt của mùa thu, những miếng măng không khô quá nhanh, không quá giòn, từ màu vàng tươi chuyển sang màu vàng sậm, mùi măng cứ thoang thoảng hương thơm dễ chịu đặc trưng.

Tổ hợp tác chế biến măng khô của Hội phụ nữ xã Mai Lạp (Chợ Mới), đang vào mùa, những giàn phơi chứa đầy ắp những lớp măng vàng ươm. Dưới cái nắng không quá gay gắt của mùa thu, những miếng măng không khô quá nhanh, không quá giòn, từ màu vàng tươi chuyển sang màu vàng sậm, mùi măng cứ thoang thoảng hương thơm dễ chịu đặc trưng.

Măng khô được làm theo phương pháp thủ công nên rất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Măng khô được làm theo phương pháp thủ công nên rất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng.

Được thành lập từ năm 2014, Tổ hợp tác chế biến măng khô gồm 5 thành viên, đều là những người làm nghề chế biến măng khô lâu năm, hiểu rõ được độ chín của măng và chất lượng đạt yêu cầu khi thành phẩm. Nhận thấy việc sản xuất măng khô lẻ tẻ theo phương thức hộ gia đình của người dân địa phương không đạt hiệu quả cao, số lượng ít và dễ bị các thương lái ép giá, các thành viên trong tổ đã cùng nhau góp vốn, mua lại măng tươi của người dân địa phương về sơ chế thành phẩm.

Chị Nông Thị Hảo, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Làm măng khô không đơn giản như mọi người nghĩ, 1 tạ măng tươi chỉ cho khoảng 6kg măng khô. Đi kiếm măng đã khó, để làm ra thành phẩm măng khô đòi hỏi người làm phải hết sức chịu khó. Măng tươi đem về được luộc sao cho vừa hết vị hăng mà không quá dừ, sau đó khía tách hình lưỡi lợn, xếp từng miếng lên giàn phơi, lật cho măng khô đều. Đặc biệt là phải có người trông chừng thời tiết, mùa này mưa nắng thất thường, chỉ cần dính chút nước mưa là măng sẽ thâm đen, không được vàng đều, bắt mắt và sẽ mất giá.

Bên cạnh đó, Tổ hợp tác còn trang bị 2 lò sấy măng nhỏ để vận hành khi thời tiết mưa kéo dài. Việc sử dụng lò sấy không làm ảnh hưởng đến chất lượng của măng mà ngược lại, măng khô được sấy trong lò còn có vị đặc trưng của mùi khói, tăng thêm hương vị đậm đà.

Mùa măng năm ngoái, Tổ hợp tác sản xuất măng khô đã sơ chế được gần 8 tạ măng khô thành phẩm. Với giá bán hiện nay khoảng 180 nghìn đồng/kg ngày thường và khoảng 200 nghìn đồng/kg ngày tết, Tổ hợp tác đã thu về gần 130 triệu đồng. Năm nay, các thành viên trong Tổ đã đầu tư nhiều thời gian, thu mua nhiều măng tươi của các hộ dân để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khan hiếm hàng vào dịp tết. Do chất lượng măng ngon nên các thương lái luôn tìm đến tận nơi thu mua.

Bà Hà Thị Tươi, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mai Lạp cho biết: Măng được chế biến theo phương pháp thủ công nên chất lượng rất thơm ngon mà lại đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày nay, do nhu cầu thị trường tăng cao đối với những sản phẩm đặc sản mà lại sạch, an toàn như măng khô, chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất nhiều theo phương pháp truyền thống để tạo nên thương hiệu. Riêng đối với Tổ hợp tác, do nguồn cung thị trường vẫn còn thấp nên khuyến khích mọi người tham gia để tạo thu nhập, phát triển kinh tế ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất ít những cơ sở sản xuất măng khô, hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Cùng với mở rộng chế biến cần chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Chính quyền và ngành chức năng cần tạo điều kiện cho người dân sản xuất, để lâm sản phát huy giá trị, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương./.

Thu Hường.

Xem thêm